Chương trình 135 góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Chương trình 135 góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Người dân đến khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu (Quảng Ninh). Ảnh: Đức Hiếu-TTXVN
Người dân đến khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu (Quảng Ninh). Ảnh: Đức Hiếu-TTXVN
Giai đoạn 2016-2020, Chương trình 135 được triển khai tập trung tại 8 tỉnh khu vực Đông Bắc Bộ trên địa bàn 683 xã, trong đó có 465 xã đặc biệt khó khăn, 102 xã biên giới, 116 xã an toàn khu và 889 thôn đặc biệt khó khăn. Tổng nguồn lực của chương trình là hơn 7.360 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 5.440 tỷ đồng (đã phân bổ hơn 4.314 tỷ đồng), ngân sách từ địa phương trên 1.900 tỷ đồng. Trong 4 năm triển khai, Chương trình 135 đã huy động được tổng hợp các nguồn lực thực hiện, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm từ 3-4%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5-2 lần so với đầu giai đoạn; kết cấu hạ tầng như công trình giao thông, y tế, giáo dục... được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu của người dân. 100% xã, thôn bản đặc biệt khó khăn được tiếp cận giống cây trồng, vật nuôi mới; các hộ nghèo, cận nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức khuyến nông, khuyến lâm, kinh nghiệm sản xuất. Các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất đã tác động không nhỏ đến quá trình thay đổi nhận thức, hành vi theo hướng tích cực trong phát triển kinh tế hộ gia đình...
Mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng của gia đình anh Hoàng Văn Trung, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đức Hiếu-TTXVN
 Mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng của gia đình anh Hoàng Văn Trung, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đức Hiếu-TTXVN
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại nhất định, như một số địa phương triển khai các mục tiêu của Chương trình còn chậm, lúng túng; việc hỗ trợ phát triển sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến hiệu quả chưa cao... Tại hội thảo, Ban Dân tộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên đã chia sẻ kinh nghiệm về những giải pháp nâng cao hiệu quả Chương trình 135; áp dụng cơ chế đặc thù trong thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; kiểm tra, giám sát Chương trình 135; giải pháp xây dựng, nhân rộng mô hình giảm nghèo; huy động và lồng ghép các nguồn lực trong thực hiện Chương trình 135...
Trường PTDT Nội trú huyện Bình Liêu đang được nâng cấp, mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học. Ảnh: Đức Hiếu-TTXVN
 Trường PTDT Nội trú huyện Bình Liêu đang được nâng cấp, mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học. Ảnh: Đức Hiếu-TTXVN
Đồng thời, các đại biểu đã thảo luận về định hướng khung chương trình trong giai đoạn 2021-2030 với những nội dung trọng tâm như: Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tạo mô hình sinh kế gắn với việc làm ổn định cho nhân dân; bảo đảm thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2025 tăng ít nhất 2 lần so với cuối năm 2020; tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người và dân tộc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ vào sản xuất... Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông nhấn mạnh, từ nguồn lực của Chương trình 135, công tác xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị các đại biểu dự hội thảo tập trung đề xuất những sáng kiến có giá trị để triển khai Chương trình 135 thời gian tới theo hướng đơn giản, dễ làm, phát huy vai trò của cộng đồng, tăng cường phân cấp đi đôi với trao quyền nhằm đảm bảo thực hiện Chương trình thực sự có hiệu quả tại những vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Chu Hiệu

Có thể bạn quan tâm