Phải đối mặt với khó khăn kép, người trồng chè và doanh nghiệp sản xuất ở thủ phủ chè B’lao (thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng) đang gồng mình vượt qua giai đoạn này. Đồng thời, từng bước hoàn thiện quy trình chế biến đạt chuẩn nhằm tiến tới mục tiêu cung cấp cho thị trường sản phẩm chất lượng cao và đảm bảo an toàn cho sức khoẻ.
Đối mặt khó khăn kép
Những tháng đầu năm 2023 là thời kỳ khó khăn đối với ngành sản xuất chè của Lâm Đồng nói chung và thủ phủ chè B’lao nói riêng. Trong khi người trồng chè nhổ bỏ vườn hoặc bán bất khiến vùng nguyên liệu bị thu hẹp thì thông tin về việc sản phẩm chè của Việt Nam xuất khẩu có chứa hoá chất nhuộm màu càng làm doanh nghiệp, người dân như ngồi trên đống lửa.
Thay vì cảnh nhộn nhịp sản xuất, phân loại đóng gói chè như trước đây, khu nhà xưởng của Doanh nghiệp tư nhân chế biến thương mại Thiện Phương (thành phố Bảo Lộc) khá đìu hiu. Hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất hầu như ngừng hoạt động do “đói” nguyên liệu. Tại khu vực tiếp nhận chè để sơ chế, thỉnh thoảng mới có người dân chở từ 1- 2 bao chè đến cân. Tương tự, chiếc xe tải thu gom chè nguyên liệu ở các địa bàn xa trước đây gần như chạy cả ngày không hết việc thì nay số lượt rời xưởng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Vừa chở hai bao chè nguyên liệu đến cân, ông Nguyễn Văn Hải (Phường B’Lao, thành phố Bảo Lộc) thừa nhận, người trồng chè giờ đây đang đối mặt nhiều khó khăn do giá trị kinh tế của cây chè rất thấp. Riêng gia đình ông trước đây có 8.000m2 chuyên trồng chè nguyên liệu nhưng gần đây do loại cây này kém hiệu quả nên đã chuyển đổi 6.000m2 trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn. “Cứ tình hình giá chè nguyên liệu thấp như hiện nay, chắc số diện tích còn lại tôi cũng phải phá bỏ để trồng loại cây khác”, ông Hải nói.
Theo ông Nguyễn Đình Phương, giám đốc Doanh nghiệp tư nhân chế biến thương mại Thiện Phương, thiếu nguyên liệu chế biến là tình trạng chung của các đơn vị, công ty chế biến chè trên địa bàn thành phố Bảo Lộc. Khoảng hai năm trở lại đây diện tích vùng chuyên trồng cây chè ngày càng bị thu hẹp nên nhiều đơn vị không đủ nguyên liệu để chế biến. Thay vì trước đây mỗi năm doanh nghiệp của ông xuất khẩu được 70 – 80 container (khoảng 2 ngàn tấn chè khô) thì hiện nay chỉ còn 10 - 15 container mỗi năm, tương đương vài trăm tấn chè khô thành phẩm.
Chuẩn hoá quy trình chế biến
Cây chè được trồng tại thành phố Bảo Lộc từ trước năm 1930, đến nay, còn khoảng 2.500 ha đất trồng chè các loại. Trên địa bàn thành phố hiện có 160 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chè. Sản lượng hàng năm đạt khoảng 23.000 tấn được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới.
Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu chè (chủ yếu là chè đen, chè ướp hương, chè ô long, chè xanh) của Bảo Lộc đạt khoảng 15 triệu USD. Đây là thành quả của một quá trình chuyển đổi trong công nghệ chế biến, tự động hoá của ngành chè ở B’Lao. Dù còn nhiều khó khăn nhưng hiện nay một số cơ sở tiếp tục đầu tư trang thiết bị, máy móc công nghệ mới, dây chuyền chế biến chè đen CTC, OTD nhập từ nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm cho thị trường.
Là một trong những đơn vị chuyên sản xuất chè lâu đời tại Bảo Lộc, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trà Nai Vàng (Khu công nghiệp Lộc Sơn, Bảo Lộc) hiện đang đi đầu trong việc chuẩn hoá quy trình sản xuất, chế biến chè “không tiếp đất” với dòng sản phẩm chính là chè ô long, chè ướp hương, chè truyền thống để cung cấp cho thị trường trong nước và đối tác. Sau khi hoàn thiện hệ thống nhà xưởng mới vào năm 2020, Công ty này liên tục “rót tiền” đầu tư để chuẩn hoá hệ thống dây chuyền sản xuất.
Toàn bộ nhà xưởng của Công ty Nai Vàng hiện đã có đủ máy tách màu, máy đóng gói tự động, máy sang cuộn, băng tải, máy đóng gói túi lọc, máy dán tem với công suất hoạt động khoảng 50%. Ngoài ra, công ty cũng đang trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn FSSC cho nhà máy (là bộ tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm do Hiệp hội An toàn thực phẩm chứng nhận, được 154 quốc gia trên thế giới chấp nhận và là điều kiện bắt buộc khi xuất khẩu nông sản vào thị trường Nhật Bản, châu Âu).
Ông Trần Đại Bình, Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Trà Nai Vàng cho biết, ngành sản xuất chè không bắt buộc phải xây dựng FSSC nhưng mục tiêu của Công ty là để chuẩn hoá quy trình sản xuất chè nhằm hướng đến cải tiến sản xuất trà không tiếp đất, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với công nhân nhằm đảm bảo theo tiêu chuẩn bắt buộc cao nhất của ISO liên quan đến an toàn thực phẩm. Từ đó, sẽ thúc đẩy cho công ty đi theo một quy trình được chuẩn hoá ngay từ đầu và nâng cao chất lượng sản phẩm cho thị trường.
Gỡ khó cho ngành chè
Trong buổi gặp mặt các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực chè tổ chức mới đây, lãnh đạo thành phố Bảo Lộc đã ghi nhận những ý kiến về khó khăn của ngành sản xuất chè ở địa phương. Qua đó, thành phố sẽ báo cáo kiến nghị với UBND tỉnh và các cơ quan liên quan để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp thông qua một số giải pháp bước đầu như đề nghị các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các đơn vị tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi hơn; thành phố sẽ kết nối với lãnh đạo các địa phương có phát triển ngành chè để gặp mặt, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tháo gỡ nút thắt trong sản xuất, chế biến; nghiên cứu xây dựng Trung tâm trung bày sản phẩm đặc trưng của địa phương trong thời gian tới.
Bí thư Thành uỷ Bảo Lộc Tôn Thiện Đồng cho biết, thành phố đã có câu lạc bộ của ngành chè để các doanh nghiệp, đơn vị sinh hoạt, gặp gỡ. Trong thời gian tới ít nhất một tháng một lần, lãnh đạo thành phố sẽ sinh hoạt với câu lạc bộ chè để kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho họ.
Theo Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, sản lượng chè xuất khẩu của tỉnh trong 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2,2 ngàn tấn và ước đạt giá trị 5,3 triệu USD, tăng 38,4% về sản lượng và giá trị so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu chính của chè bao gồm Đài Loan (Trung Quốc), Pakistan và Afghanistan.
Bà Cao Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng nhận định, hiện nay việc xuất khẩu chè đối với các thị trường truyền thống như Trung Đông cũng có nhiều khó khăn hơn trước do sự chênh lệch về giá nguyên liệu đầu vào với giá xuất khẩu. Do đó, Sở đã phối hợp với ngành nông nghiệp và các địa phương Bảo Lộc, Bảo Lâm để triển khai các giải pháp khắc phục.
Cùng với đó, Sở tiếp tục đàm phán để tìm kiếm, tham gia vào các thị trường cao cấp hơn từ đó nâng cao giá chè nguyên liệu và giá chè thành phẩm để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. “Sở Công Thương cũng tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tham gia kỹ thuật chế biến chè phù hợp để có thể cung ứng cho thị trường tốt hơn. Từ đó, giá trị cây chè được nâng cao, giúp người dân yên tâm giữ lại cây chè thay vì chuyển đổi cây trồng khác”, bà Thanh cho biết.
Nguyễn Dũng