Chủ tịch Quốc hội kết thúc thành công chuỗi hoạt động đối ngoại ở nước ngoài

Chủ tịch Quốc hội kết thúc thành công chuỗi hoạt động đối ngoại ở nước ngoài
Nhân dịp này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả ba chuyến thăm này.

+ Xin ông đánh giá kết quả chuyến thăm nước bạn Lào cũng như những đánh giá của phía bạn về kết quả chuyến thăm này?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia, thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Myanmar và tham dự AIPA-37 theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Heng Samrin, và Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Liên bang Myanmar Mahn Win Khaing Than.
 
Trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á lần thứ 37 (AIPA - 37) tổ chức tại Thủ đô Nay Pyi Taw, Cộng hòa Liên bang Myanmar, chiều 30/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Đại hội đồng. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các Quốc gia
Đông Nam Á lần thứ 37 (AIPA - 37) tổ chức tại Thủ đô Nay Pyi Taw,
Cộng hòa Liên bang Myanmar, chiều 30/9, Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Đại hội đồng. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trên cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa XIV.

Chuyến công tác này với mục đích chung là tăng cường mối quan hệ hợp tác toàn diện với các nước. Tại Lào, Chủ tịch Quốc hội đã tiếp kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Xây dựng Tổ quốc Lào. 

Chủ tịch Quốc hội hai nước đã hội đàm thống nhất các phương hướng, biện pháp để tiếp tục củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai cơ quan lập pháp hai nước. Đặc biệt, trong chuyến công tác tại Lào, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm các cán bộ lão thành cách mạng Lào.

Kết quả làm việc của Chủ tịch Quốc hội của nước ta và của các đồng chí lãnh đạo Lào có thể khẳng định, quan hệ hai nước là quan hệ lâu dài, với tình đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện. Mối quan hệ này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane đặt nền móng xây dựng và được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước tiếp nối và vun đắp. 

Nước bạn Lào cũng đánh giá rất cao về những thành tựu phát triển của Việt Nam trong những năm vừa qua. Chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam lần này cũng đã chứng kiến sự tiến bộ, phát triển nhanh chóng của đất nước Lào anh em.

Trong chuyến đi thăm, Chủ tịch Quốc hội hai nước đã chủ trì hội thảo kinh nghiệm về quản lý nợ công. Hội thảo này thu hút rất đông đảo các đại biểu Quốc hội cũng như các bộ, ngành của Lào. Tôi thấy, nội dung hội thảo được hai bên chuẩn bị rất chu đáo. Nhất là ở phía nước bạn Lào, trực tiếp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Lào đã trình bày kinh nghiệm quản lý nợ công. 

Chiều 27/9, tại Thủ đô Viêng Chăn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Chiều 27/9, tại Thủ đô Viêng Chăn,
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
hội kiến Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Còn đại diện Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trực tiếp trình bày. Bên cạnh đó có nhiều ý kiến thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm của các lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan hữu quan Lào.

Ngay sau hội thảo, hai nữ Chủ tịch Quốc hội hai nước đều bày tỏ sự hài lòng về kết quả hội thảo. Đại diện các cơ quan hữu quan hai nước đã chia sẻ về những tồn tại, vướng mắc trong quản lý nợ công. Đặc biệt là dự báo rủi ro cũng như nâng cao vai trò giám sát của cơ quan lập pháp của Quốc hội hai nước.

Quá trình làm việc ở Lào, trong hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Lào, hai bên đã đánh giá, trong thời gian qua, hợp tác ngày càng nâng cao tính toàn diện hơn. Chủ tịch Lào đề xuất ba vấn đề bổ sung vào thỏa thuận giữa Quốc hội hai nước. 

Thứ nhất, Quốc hội hai nước tăng cường giám sát về những thỏa thuận hợp tác đã được Chính phủ hai nước ký kết. Thứ hai là xây dựng chương trình hợp tác, nhất là trao đổi kinh nghiệm của đại biểu nữ hai nước. Thứ ba, bạn cũng đề xuất nên xây dựng một chương trình hợp tác trao đổi kinh nghiệm về hoạt động của Hội đồng nhân dân và đại biểu Quốc hội giữa các tỉnh cùng chung biên giới. 

Ba đề xuất này, với vai trò là cơ quan tham mưu, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội sẽ nghiên cứu và sẽ đưa vào chương trình bổ sung. Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Lào sang thăm Việt Nam, chúng ta có thể tổ chức ký kết bổ sung thỏa thuận này.

Ấn tượng của tôi cũng như các thành viên trong đoàn trong chuyến công tác cùng với Chủ tịch Quốc hội là trong tất cả các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc đều cảm nhận được tình cảm nồng ấm. Tôi cũng rất ấn tượng khi Chủ tịch Quốc có buổi nói chuyện với cán bộ Đại sứ quán và đại diện doanh nghiệp, kiều bào tại Thủ đô Viêng Chăn. Nói chung, bà con kiều bào hết sức phấn khởi khi được tạo điều kiện làm ăn sinh sống tại Lào. 

Được biết, trong thời gian thăm Lào, Thủ tướng Chính phủ Lào đang công tác nước ngoài đã rút ngắn chương trình và đổi nhiều chuyến bay để về nước. Khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chuẩn bị ra sân bay sang thăm hữu nghị chính thức Vương quốc Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Lào cũng mới về đến Văn phòng và cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã diễn ra cũng vô cùng cảm động. Thủ tướng Lào đánh giá rất cao hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.

Tại Lào, Đoàn cũng đến thăm hai doanh nghiệp là Viettel và VietinBank, đều là những doanh nghiệp Việt Nam mới đầu tư ở Lào nhưng thực sự hoạt động hiệu quả, được Chính phủ Lào đánh giá rất cao. 

Có thể nói, chuyến đi công tác tại Lào của Chủ tịch Quốc hội theo tôi là rất thành công, có ý nghĩa trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện một cách rất rõ nét, để lại dấu ấn rất sâu đậm giữa lãnh đạo của hai nước.

+ Xin ông cho biết những điểm nhấn và kết quả, nội dung quan trọng tại các cuộc gặp giữa Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và các nhà lãnh đạo Vương quốc Campuchia?

Thăm hữu nghị chính thức Vương quốc Campuchia, cũng tương tự chương trình làm việc ở Lào, Chủ tịch Quốc hội đã có chương trình làm việc rất dày đặc và cũng gặp gỡ tất cả các nhà lãnh đạo cao nhất của nước bạn. Qua các buổi làm việc này cũng để lại một tình cảm, dấu ấn tốt đẹp.
 
Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdec Heng Samrin đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdec Heng Samrin
đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Đặc biệt, hai bên cũng đánh giá, mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp trong thời gian qua. Khi Chủ tịch Quốc hội tiếp kiến Quốc vương Norodom Sihamoni, Quốc vương đã khẳng định nhân dân Campuchia luôn ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và quý báu của dân tộc Việt Nam anh hùng, đặt biệt là các thế hệ lãnh đạo Việt Nam đã cùng Vua cha Norodom Sihanouk xây dựng đường lối quan hệ bền vững giữa hai nước; khẳng định Việt Nam là người bạn lớn của nhân dân Campuchia. 

Việt Nam đã dành cho Campuchia sự giúp đỡ to lớn, đặt biệt đã hy sinh xương máu vì nền độc lập tự do của Campuchia trước đây, cũng như công cuộc và xây dựng đất nước ngày nay. Còn Chủ tịch Thượng viện Campuchia thì nhấn mạnh, Việt Nam là người bạn tốt, người láng giềng tốt và đối tác tốt. 

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh và Công ty Angkor Milk là hai địa chỉ mà doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Campuchia. Có thể thấy ở hai mô hình Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh hay Angkor Milk là minh chứng sống động cho thấy điều ấy.

Hoan nghênh kết quả đạt được thời gian qua về công tác phân giới cắm mốc giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Thượng viện Samdech Say Chhum cùng bày tỏ mong muốn hai nước sẽ giải quyết những vấn đề tồn đọng trên toàn tuyến biên giới hai nước để xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đồng thời cho rằng, việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc là tài sản quý giá cho các thế hệ mai sau.

Chủ tịch Thượng viện Campuchia bày tỏ vui mừng về quan hệ hai nước và cơ quan lập pháp hai nước đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận; đồng thời bày tỏ cảm ơn Quốc hội Việt Nam đã giúp đào tạo nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng cho cơ quan lập pháp của Campuchia. 

Trong chuyến thăm, Đoàn cũng đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Campuchia Samdech Hun Sen đẩy mạnh ký kết hiệp định song phương, đặc biệt là sửa đổi, bổ sung Nghị định thư về chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư của Việt Nam, Campuchia, để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh. 

Có thể nói, tại Campuchia, các cuộc tiếp xúc, tiếp kiến cũng như hội đàm diễn ra rất tốt đẹp. Tôi cũng rất xúc động khi Chủ tịch Quốc hội Campuchia đã bày tỏ sự cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ Campuchia trong đào tạo cán bộ, hỗ trợ về ODA, công nghệ thông tin, ủng hộ thiên tai lụt bão...

+ Những kết quả quan trọng tại Cộng hòa Liên bang Myanmar lần này là gì, thưa ông?

Chiều 30/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến chào Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar ngài Htin Kyaw. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Chiều 30/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
đến chào Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar ngài Htin Kyaw.
Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Thăm chính thức Myanmar vào thời điểm Myanmar tập trung tổ chức AIPA-37 nhưng các nhà lãnh đạo Myanmar đã đón tiếp Đoàn rất trọng thị và dành thời gian thỏa đáng để tiếp Chủ tịch Quốc hội và Đoàn. Trong các cuộc gặp gỡ tiếp xúc cấp cao, Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Myanmar đã đánh giá rất cao và chúc mừng Việt Nam về những thành tựu phát triển kinh tế và xã hội trong các thập kỷ qua, đặc biệt là lúc chúng ta thực hiện công cuộc đổi mới. 

Tổng thống Myanmar chúc mừng và đánh giá Việt Nam như hiện tượng mới nổi lên so với các nước trong khu vực. Các nhà lãnh đạo Myanmar đều mong muốn sớm sang thăm Việt Nam để tận mắt nhìn thấy những thành tựu phát triển của Việt Nam.

Còn với quan hệ Quốc hội, cơ quan lập pháp hai nước, nói chung, vừa qua, mối quan hệ này rất tốt đẹp. Tuy nhiên, bạn mới phục hồi lại cơ quan lập pháp gần đây. Bạn thường nói câu rất mong muốn được trao đổi và được học tập kinh nghiệm từ cơ quan lập pháp Việt Nam, chúng ta trả lời sẵn sàng hợp tác hai bên.

Về tham dự AIPA, đối với bạn, tôi cho rằng bạn tổ chức hết sức chu đáo. Thực hiện chương trình AIPA cũng như các lần trước, chương trình cũng dày đặc và một lễ khai mạc cũng rất trang trọng, thể hiện tình cảm của nội khối ASEAN. Tại phiên họp chính, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân có bài phát biểu rất quan trọng. 

Theo dư luận, đây là bài phát biểu nhận được sự quan tâm rộng rãi, thể hiện tiếng nói trong AIPA. Ngài Tổng thư ký AIPA gặp Chủ tịch Quốc hội Việt Nam có lời khen ngợi trực tiếp. Thông điệp trong bài diễn văn nêu bật vấn đề làm thế nào xây dựng một khối ASEAN phồn vinh. Những tư tưởng đó, chúng ta tham góp, kể cả trong chương trình nghị sự, chúng ta cũng tham góp nhiều nội dung mới.

Tôi nhớ lúc họp Ban chấp hành, Việt Nam đưa ra vấn đề tham gia vào các Ủy ban, nhất là các Ủy ban Chính trị, Ủy ban Kinh tế, tất cả các thành viên đều đồng ý hết và đưa vào chương trình. Đến giờ này, các nội dung chúng ta tham gia đã được thể hiện trong dự thảo nghị quyết. Tất nhiên, các đoàn đang tiếp tục bàn rất kỹ về nội dung này để hoàn chỉnh theo tư tưởng tiếp thu các đề xuất của đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu.

Hy vọng rằng, mỗi lần tham dự AIPA, đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tham gia hoạt động AIPA ngày một thực chất và hiệu quả hơn, để các cơ quan lập pháp của các nước đóng góp vào công việc điều hành chung của Nhà nước, đưa đoàn tàu ASEAN của chúng ta ngày càng phát triển phồn vinh.

Có thể bạn quan tâm