Đây cũng là thời điểm bước vào năm học mới, nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh trong trường học là rất lớn. Một số dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong thời gian tới như: Sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng, thủy đậu, quai bị… Đặc biệt, một số nơi bị ngập lụt nghiêm trọng thời gian qua như Ia H’drai, Tu Mơ Rông, Đăk Glei ...dễ phát sinh các dịch bệnh như tiêu chảy, sốt xuất huyết.
Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh năm 2018. Ảnh: Dương Bích Ngọc |
Để chủ động phòng chống các loại dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường trước, trong và sau khi lũ lụt đúng quy định. Đồng thời cử cán bộ chuyên môn chỉ đạo, hỗ trợ tuyến dưới về công tác vệ sinh môi trường sau lũ lụt. Ngành Y tế tỉnh Kon Tum thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra việc triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để cách ly, điều trị kịp thời; chủ động phát hiện và xử lý ngay các ổ bệnh bằng các biện pháp phòng chống theo quy định. Đặc biệt, đã tổ chức phun hóa chất chủ động diệt muỗi và tổ chức phun hóa chất xử lý các ổ bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh. Ngành tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại bệnh viện và cơ sở, trong đó chú trọng giám sát dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, quai bị, thủy đậu. Ngoài ra, tăng cường và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người dân; tư vấn về tác dụng, lợi ích của vắc xin để người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum, dịch bệnh phức tạp nhất hiện nay là sốt xuất huyết Dengue tăng mạnh. Chỉ trong tháng 8 đã ghi nhận 32 ổ bệnh mới tại thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Sa Thầy, Ia H’Drai.
Quang Thái