Chủ động giữ ấm cho học sinh vùng cao Lai Châu

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Dào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu) chuẩn bị đầy đủ chăn, đệm ấm cho học sinh ở bán trú. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Dào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu) chuẩn bị đầy đủ chăn, đệm ấm cho học sinh ở bán trú. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiệt độ ở tỉnh Lai Châu giảm sâu, trời chuyển rét đậm, rét hại nhất là ở khu vực vùng cao. Các trường học trên địa bàn Lai Châu đã chủ động tăng cường các biện pháp giữ ấm cho học sinh, ứng phó với không khí lạnh, rét đậm, rét hại, nhằm bảo đảm sức khỏe và tỷ lệ chuyên cần.

Chủ động giữ ấm cho học sinh vùng cao Lai Châu ảnh 1Với độ cao 1.600m so với mực nước biển, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Dào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu) chuẩn bị đầy đủ chăn, đệm ấm cho học sinh ở bán trú trong mùa Đông. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Dào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu), với độ cao 1.600 mét so với mực nước biển, những ngày qua, sương mù bao trùm khắp các bản, làng và nền nhiệt dao động từ 7-10 độ C gây rét đậm, rét hại. Việc phòng, chống rét và giữ ấm cho học sinh luôn là nhiệm vụ quan trọng được nhà trường đặt lên hàng đầu mỗi khi mùa Đông đến.

Cô giáo Phạm Thị Xuân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2022-2023, toàn trường có một điểm trường chính và 6 điểm trường lẻ với 36 lớp/1.050 học sinh chủ yếu đồng bào dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì; trong đó có 368 học sinh ở bán trú. Để đảm bảo phòng, chống rét cho học sinh, tại điểm trường chính, nhà trường đã chủ động mượn máy sưởi của các gia đình gần trường để sưởi ấm cho các em, tối thiểu mỗi lớp có một máy sưởi. Mặt khác, nhà trường chỉ đạo các giáo viên thường xuyên đóng kín cửa, kéo rèm để tránh gió lùa và tạm dừng các hoạt động ngoài trời khi nhiệt độ giảm.

Chủ động giữ ấm cho học sinh vùng cao Lai Châu ảnh 2Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Dào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu) chủ động mượn máy sưởi để giữ ấm cho học sinh khi học. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Với học sinh ở bán trú, nhà trường luôn tìm các giải pháp tối ưu để đảm bảo khẩu phần ăn cho học sinh bán trú, cố gắng để học sinh có được bữa ăn nóng, ngon và đủ chất. Vào mùa Đông, khẩu phần được tăng thêm dầu mỡ để giữ ấm cơ thể trẻ và thường xuyên thay đổi giúp các em ăn ngon miệng, đủ chất dinh dưỡng; chuẩn bị đầy đủ chăn, đệm ấm cho các em ở tại trường.

Riêng các điểm trường lẻ nằm ở các bản, phần lớn, các phòng học còn tạm bợ, việc giữ ấm cho học sinh, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Đây cũng là trăn trở lớn nhất của thầy, cô giáo trong trường mỗi khi mùa Đông đến. Trước mắt, nhà trường chỉ đạo các giáo viên cắm bản đốt củi để sưởi ấm cho các em; thường xuyên nhắc nhở cha mẹ học sinh mặc ấm cho các em trước khi đến lớp học.

Chủ động giữ ấm cho học sinh vùng cao Lai Châu ảnh 3Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Dào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu) chuẩn bị đầy đủ chăn, đệm ấm cho học sinh ở bán trú. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

“Với điều kiện khó khăn và xa xôi, nhà trường mong muốn chính quyền các cấp quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, điều kiện sống của học sinh; giúp các em có điều kiện học tập thuận lợi, góp phần nâng tỷ lệ chuyên cần, nâng cao chất lượng giáo dục ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Dào San cho biết thêm.

Tương tự, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Xe, huyện Phong Thổ, năm học 2022-2023, toàn trường có 629 học sinh, trong đó có 381 học sinh ở bán trú.

Chủ động giữ ấm cho học sinh vùng cao Lai Châu ảnh 4Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Xe, huyện Phong Thổ (Lai Châu) bổ sung chăn ấm cho học sinh ở bán trú. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Thầy giáo Vũ Văn Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, để đảm bảo phòng, chống rét cho học sinh, trường đã được trang bị cơ sở vật chất đảm bảo lớp học có cửa kính chắn gió, nhưng vẫn đảm bảo đủ ánh sáng cho học sinh học tập. Các giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm, đầu đội mũ ấm, chân đi tất, dày. Công tác chăm sóc học sinh bán trú được nhà trường chú trọng, chuẩn bị đủ gối, đệm, chăn ấm cho học sinh ở tại trường và khẩu phần ăn được Nhà trường quan tâm, thường xuyên thay đổi món để các em có đầy đủ chất dinh dưỡng.

Đồng thời, nhà trường còn vận động các nhà hảo tâm tặng chăn ấm, áo ấm cho các học sinh toàn trường; Phòng Y tế của trường được trang bị các loại thuốc và dụng cụ y tế tối thiểu cho việc sơ cấp cứu học sinh, học sinh có biểu hiện không tốt về sức khỏe được thăm khám, chăm sóc kịp thời.

Chủ động giữ ấm cho học sinh vùng cao Lai Châu ảnh 5Trước thời tiết rét đậm, rét hại, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Xe, huyện Phong Thổ (Lai Châu) yêu cầu các em học sinh mặc áo ấm và đóng kín cửa khi học trong lớp. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Năm học 2022-2023, huyện biên giới Phong Thổ có 48 trường học, với gần 21.000 học sinh ở các cấp học. Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ Nguyễn Vương Hùng cho biết, để giữ ấm cho học sinh trước thời tiết khắc nghiệt, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ chỉ đạo các trường học trên địa bàn chủ động thay đổi khung giờ học, cho các em nghỉ học phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Mặt khác, Phòng chủ động rà soát, kiểm tra, hỗ trợ sửa chữa kịp thời những phòng học, phòng ăn, phòng ở bán trú hư hỏng và yêu cầu các trường hạn chế tổ chức hoạt động vui chơi ngoài trời. Những trường có học sinh ở bán trú quan tâm hơn đến việc giữ thức ăn nóng, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng sức đề kháng, giữ ấm cho học sinh. Với các phòng ở bán trú không kiên cố, các trường mua thêm bạt để chắn gió, giữ ấm cho học sinh. Ở cấp Mầm non, Phòng yêu cầu các trường trong toàn huyện tuyên truyền cho các phụ huynh khi đưa con đến trường gửi phải đảm bảo trang phục giữ ấm cho trẻ.

Chủ động giữ ấm cho học sinh vùng cao Lai Châu ảnh 6Cùng việc giữ ấm cho học sinh, các trường trên địa bàn tỉnh Lai Châu luôn quan tâm tới khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho học sinh bán trú. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục tỉnh Lai Châu có 340 trường, hơn 5.500 lớp và trên 150.860 học sinh ở tất cả các cấp học. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đinh Trung Tuấn, trước tình hình rét đậm rét hại, Sở đã có công văn chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tăng cường các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại, đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Các trường hường xuyên theo dõi bản tin thời tiết được phát trên chương trình Chào buổi sáng, kênh VTV1 hàng ngày hoặc theo dõi trên các phương tiện thông tin khác rồi căn cứ vào điều kiện thực tế của từng trường, từng vùng để xem xét cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C (cấp học Mầm non, Tiểu học) và dưới 7 độ C (cấp Trung học Cơ sở).

Những ngày tới, thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm rét hại có thể kéo dài, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu yêu cầu các trường học trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, đảm bảo giữ ấm cho học sinh khi nhiệt độ giảm sâu. Đặc biệt, các trường thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh, học sinh mặc đủ ấm, giữ gìn sức khỏe trong mùa Đông.

Việt Hoàng - Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm