Quang cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN. |
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Vắc-xin và sinh phẩm, Viện Pastuer Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pastuer Nha Trang, cùng đại diện các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng, trung tâm y tế huyện, thành phố các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lăk, Đắk Nông, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Tại hội thảo, các đơn vị báo cáo tình hình triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu tại địa phương; cùng chia sẻ kinh nghiệm phòng chống và điều trị bệnh bạch hầu tại những đơn vị làm điển hình như Kon Tum, Gia Lai, Quảng Nam, Bình Phước. Cùng với đó, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên; Viện Vắc-xin và Sinh phẩm chia sẻ kết quả nghiên cứu về tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu và triển khai can thiệp bằng vắc-xin uốn ván-bạch hầu giảm liều (Td); năng lực sản xuất và cung cấp vắc-xin uốn ván-bạch hầu giảm liều.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Thọ Dược, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cho biết: Qua thực tiễn cho thấy, để khống chế dịch bệnh thành công, đầu tiên cần có sự giám sát chặt chẽ của hệ thống y tế tuyến cơ sở, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính quyền các cấp và kết hợp các biện pháp chuyên môn, như các biện pháp không đặc hiệu gồm vệ sinh môi trường, uống thuốc phòng bệnh cho đến các biện pháp chống dịch bạch hầu đặc hiệu như sử dụng vắc-xin Td...
Năm 2016, ổ dịch bạch hầu xuất hiện tại thôn 10 (Tà Âu), xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với một trường hợp bệnh nhân tử vong nghi do bạch hầu; hai trường hợp người lành mang mầm bệnh có liên quan dịch tễ với nhau.
Trước tình hình đó, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đã phối hợp với ngành y tế tỉnh Kon Tum tiến hành chiến dịch tiêm vắc-xin Td cho 219 đối tượng từ 6 đến 25 tuổi tại các xã có nguy cơ cao trên địa bàn huyện Kon Plông. Sau khi tiêm phòng vắc-xin Td, hầu hết các đối tượng nghiên cứu đều có kháng thể bảo vệ từ mức độ bảo vệ một phần đến bảo vệ đầy đủ và lâu dài chống lại bệnh bạch hầu. Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên khuyến cáo người dân trong độ tuổi 6 đến 25 nên tiêm nhắc lại vắc-xin Td, nhằm tăng cường miễn dịch cộng đồng phòng bệnh bạch hầu, ngoài các biện pháp can thiệp không đặc hiệu khác.
Ngành y tế Kon Tum đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp xử lý ổ dịch; tiêm chủng an toàn, chất lượng và đạt tỷ lệ >95% cho trẻ trong độ tuổi tiêm phòng bạch hầu; tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng để người dân cùng hợp tác, chung tay với ngành y tế.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang vi trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Để phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiên vắc-xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của ngành y tế. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời./.
Hồng Điệp