Với khát khao chinh phục mảnh đất quê hương, chị Châu Thị Xéo (xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) không ngừng học tập, nghiên cứu xây dựng mô hình trồng cây măng tây xanh trên đất cát cho thu lợi nhuận cao, đồng thời giúp đỡ nhiều hộ đồng bào dân tộc Chăm phát triển kinh tế gia đình.
Là phụ nữ dân tộc Chăm, sinh ra và lớn lên tại vùng đất cát Thành Tín nghèo khó, khí hậu khô nóng quanh năm, chị Châu Thị Xéo thấu hiểu sự lam lũ, vất vả của người dân, đời sống khó khăn khiến nhiều phụ nữ phải rời quê hương đi làm ăn xa. Từ những trăn trở đó, chị nỗ lực tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất thích ứng với khô hạn. Chị nhận thấy tiềm năng đất đai ở địa phương có thể trồng được cây măng tây xanh để phát triển kinh tế gia đình, giúp bà con thoát nghèo trên vùng “đất chết”.
Cuối năm 2016, chị Xéo tiên phong cải tạo vùng đất bán sa mạc của gia đình đầu tư trồng thử nghiệm 1 sào (sào Nam Bộ có diện tích 1.000 m2) cây măng tây xanh. Nhờ áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm và tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc nên cây măng tây xanh phát triển tốt, cho năng suất cao. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, chị Xéo mở rộng lên 5 sào trồng măng tây xanh, mỗi tháng cho thu nhập hơn 40 triệu đồng.
Từ thành công của gia đình, chị Xéo đi từng hộ vận động bà con liên kết sản xuất măng tây xanh để phát triển kinh tế. Chị Xéo bộc bạch: “Tôi thấy người phụ nữ có việc làm, có thu nhập ổn định, vai trò, vị trí của họ trong gia đình và xã hội được quan tâm, tôn trọng hơn. Tôi trao đổi với Hội Phụ nữ xã đề xuất với UBND xã Phước Hải thành lập Hợp tác xã trồng măng tây để giúp cho người dân, đặc biệt là phụ nữ Chăm có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo”.
Với sự năng động và ý chí quyết tâm, năm 2018, chị Châu Thị Xéo được bầu làm Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế. Hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp ở địa phương trồng măng tây xanh. Để giúp thành viên phát triển kinh tế, Hợp tác xã hỗ trợ tiền giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật trồng măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP, kiểm tra, giám sát và thu mua toàn bộ sản phẩm đầu ra. Chị Từ Thị Tuyết Trinh, thành viên hợp tác xã cho hay, trước đây 3 sào đất rẫy của gia đình trồng nhiều loại cây khác nhau nhưng do đất cát pha, lại thiếu nước tưới nên năng suất thấp, thu nhập rất bấp bênh. Được hợp tác xã vận động, gia đình mạnh dạn đầu tư kinh phí khoan giếng, đồng thời lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm và chuyển toàn bộ diện tích đất rẫy sang trồng măng tây xanh.
“Cây măng tây khá dễ trồng, người trồng bón phân theo định kỳ còn hàng ngày chỉ cần tưới nước, kiểm tra sâu bệnh, buổi sáng hái măng, thu hoạch liên tục trong vòng ba tháng, nghỉ một tháng để dưỡng cây. Đến nay, vườn măng tây xanh cho thu hoạch ổn định, bình quân mỗi ngày thu trên 30 kg măng, hợp tác xã thu mua với giá 50.000 đồng/kg, cho doanh thu hơn 1,5 triệu đồng/ngày. Gia đình hiện đang mở rộng diện tích trồng măng tây xanh lên thêm 3,5 sào trong năm nay”, chị Trinh chia sẻ.
Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại, từ 37 thành viên ban đầu đến nay hợp tác xã thu hút 83 thành viên, trong đó 63 thành viên nữ cùng liên kết sản xuất măng tây xanh theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích gần 20 ha. Bình quân mỗi ngày, hợp tác xã thu mua trên 300 kg măng tây của các xã viên, sản lượng măng tây thu hoạch không đủ cung cấp cho công ty liên kết thu mua. Ngoài trồng măng tây, thành viên hợp tác xã còn trồng lúa và các loại rau, đậu, cà chua.
Trồng măng tây xanh giúp kinh tế của các thành viên hợp tác xã được nâng lên rõ rệt, thu nhập của xã viên thấp nhất là 10 triệu đồng/tháng và hộ cao nhất lên đến 90 triệu đồng mỗi tháng. Lúc đầu Hợp tác xã có 7 hộ nghèo, đến nay toàn bộ đã thoát nghèo và vươn lên hộ có thu nhập khá. Tham gia liên kết sản xuất, hợp tác xã tạo công việc hàng ngày cho hàng chục lao động địa phương, góp phần thực hiện đạt tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới ở xã Phước Hải.
Chia sẻ về công việc, chị Châu Thị Xéo cho biết, định kỳ hàng tháng, chị phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tổ chức sinh hoạt đối thoại cho các hộ gia đình nòng cốt của hợp tác xã, giúp các thành viên chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, vợ chồng chia sẻ gánh nặng công việc nhà với nhau. Từ những hoạt động này, các thành viên trong hợp tác xã rất phấn khởi, đặc biệt các anh nam giới đã biết chia sẻ công việc nhà với vợ, tạo điều kiện cho chị em tham gia sinh hoạt cộng đồng. Chị em có việc làm, thu nhập ổn định nên cuộc sống mỗi ngày một tốt hơn.
Ông Huỳnh Thanh Huy Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hải cho biết, chị Châu Thị Xéo là người đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng, vận động các thành viên chuyển đổi từ vùng đất trống không có cây nào phát triển được chuyển sang trồng măng tây đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Thời gian tới, địa phương tiếp tục cùng hợp tác xã vận động, hỗ trợ bà con nhân rộng mô hình sản xuất. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất sản xuất măng tây xanh theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện cho hộ nông dân vay vốn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Với những thành công trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp cho sự phát triển của địa phương, chị Châu Thị Xéo đã được nhận nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trao tặng, tiêu biểu như: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước của Hội giai đoạn 2015 – 2020. Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tặng Bằng khen cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua nông dân Ninh Thuận đoàn kết giúp nhau sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020. UBND tỉnh tặng Bằng khen cho cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong triển khai xây dựng huyện Ninh Phước đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2019.
Nguyễn Thành