Giới chuyên gia New Zealand cho biết dịch bệnh COVID-19 vẫn đang lây lan và khoảng 200.000 người dân nước này đang phải đối mặt với các triệu chứng COVID kéo dài (Long COVID). Để khắc phục và nhanh chóng thoát khỏi các triệu chứng này, các chuyên gia khuyến nghị chú trọng chế độ ăn uống bởi dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với việc tăng cường hệ miễn dịch.
Các chuyên gia New Zealand đưa ra 3 cách thức bổ sung dinh dưỡng dễ thực hiện. Theo họ, một trong những triệu chứng chính khi nhiễm virus SARS-CoV-2 là mất vị giác và khứu giác, khiến người bệnh không muốn ăn, trong khi hệ miễn dịch cần nhiều loại vitamin và khoáng chất để hoạt động. Như vậy, nếu bệnh nhân ăn ít hơn vì thấy không ngon miệng là đi ngược lại nhu cầu của cơ thể để phục hồi. Các chuyên gia khuyến nghị nên ăn những thức ăn có các thành phần dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như chất béo, protein và chất xơ. Cụ thể, trong sữa và phô mai có vitamin A và B12. Các loại cá nói chung và cá có dầu (như cá hồi) chứa vitamin A, B6, B12 và selen. Các loại rau lá xanh như cải xoăn, cải bó xôi và súp lơ xanh chứa vitamin A, B6, axit folic và sắt. Các loại quả hạch và hạt có vitamin E, đồng và sắt. Các loại thịt chứa kẽm, sắt, selen và các vitamin B6, B12. Trái cây chứa vitamin A và C.
Biện pháp thứ 2 mà giới chuyên gia New Zealand đưa ra là duy trì năng lượng. Mệt mỏi quá mức thường được coi là yếu tố chính gây suy nhược trong các triệu chứng của COVID kéo dài, do đó người bệnh cần bổ sung tinh bột chứa nhiều năng lượng, như khoai tây, bánh mì, cơm và mì ống. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên ăn nhiều hơn các loại ngũ cốc nguyên cám vì có chất xơ giúp quá trình giải phóng năng lượng diễn ra chậm hơn, từ đó giúp ích khi cơ thể phải chống chọi với tình trạng mệt mỏi. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần uống đủ nước vì cơ thể thường bị mất nhiều nước khi chống lại tình trạng nhiễm trùng. Ngay cả khi cơ thể bị mất nước nhẹ cũng có thể làm giảm năng lượng, do đó người bệnh nên bổ sung thêm 500ml nước mỗi ngày nếu vẫn còn các triệu chứng của COVID-19.
Theo giới chuyên gia, trong quá trình phục hồi sau khi mắc hội chứng COVID kéo dài, người bệnh có thể phải nhập viện hoặc nghỉ ngơi, điều này dẫn đến suy giảm khối lượng cơ. Theo đó, biện pháp thứ 3 mà giới chuyên gia đưa ra là người bệnh nên bổ sung protein như thịt, trứng, cá và sản phẩm từ sữa đầy đủ chất béo để giúp duy trì khối lượng cơ cho đến khi cơ thể có thể hoạt động trở lại. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên bổ sung protein từ thực vật như đậu, đậu lăng và các loại hạt.
Trần Quyên