Hoạt động sơ chế dong riềng tại một cơ sở thu mua, chế biến tinh bột củ dong riềng ngay tại trung tâm xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Xuân Tiến -TTXVN |
Do các cơ sở chế biến củ dong riềng nơi đây không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, trang thiết bị thô sơ, hoạt động vận hành không đúng giờ giấc đã dẫn đến môi trường không khí, đất và nước nhiều bản làng bị ô nhiễm. Cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi của nhiều người dân ở các bản Che Căn, Đông Mệt, Pua, Co Thón…bị ảnh hưởng trực tiếp. Hơn 1 tuần nay, con suối Nậm Phăng đã trở thành một dòng suối “chết” khi màu nước thâm đen, bốc mùi hôi rất khó chịu, trên mặt suối đã nổi bọt và bã dong riềng dồn về kết tụ, tạo mảng nổi khắp bề mặt suối. Theo người dân địa phương, trước đây, nguồn nước mặt của suối Nậm Phăng rất trong xanh, người dân thường sử dụng để phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước cho ao nuôi cá, tưới rau trong vườn. Khi con suối này bị ô nhiễm, có mùi hôi thối đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt và hoạt động chăn nuôi, sản xuất của người dân.
Các cơ sở chế biến dong riềng trên địa bàn xã Mường Phăng đều trang bị máy móc, trang thiết bị thô sơ, không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN |
Chị Cà Thị Ninh, bản Đông Mệt 1, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên cho biết: Nước suối quá bẩn đã khiến môi trường bị nhiễm nặng nề, dùng nước suối này cho chảy vào ao, cá chết hết. Vào những ngày nắng nóng, suối Nậm Phăng càng bốc mùi hôi thối hơn, gia đình chị ở gần suối, gió thổi mùi hôi thối từ con suối bay vào không ai có thể chịu nổi. Anh Cầm Văn Lả, bản Đông Mệt 2, xã Mường Phăng bức xúc: Con suối Nậm Phăng bị ô nhiễm như thế này là do các cơ sở chế biến củ dong riềng ở phía thượng nguồn con suối xả thải nước bẩn và bã ra suối. Nước suối bị ô nhiễm cùng với bã dong riềng trôi vào ruộng, đến cây lúa còn chết, nói gì đến con cá trong ao nữa. Nhiều ngày qua, anh cũng không dám lấy nước suối cho vào ao nuôi cá nữa, mặc dù mực nước trong ao nuôi cá của gia đình đã cạn. Trong năm 2017, ao nuôi cá cạn nước nhiều quá, anh đã cho nước suối Nậm Phăng chảy vào ao, sau đó cá nuôi trong ao chết hết. Với tình hình này, không lâu nữa, suối Nậm Phăng còn ô nhiễm nặng, mùi hôi thối càng khó chịu hơn. Người dân sống gần con suối càng khổ cực hơn, nhất là lúc đang ăn cơm mà gió thổi vào, không thể chịu nổi.
Bã dong riềng chứa đựng tại bể thải lắng của cơ sở chế biến trên địa bàn xã Mường Phăng, huyện Điện Biên. Ảnh: Xuân Tiến-TTXVN |
Cây dong riềng bén rễ trên đất Mường Phăng từ hơn 10 năm nay, trở thành cây thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa bàn. Năm 2018, diện tích trồng cây dong riềng của toàn xã có hơn 110 ha. Trước nhu cầu tiêu thụ củ dong riềng của người dân, nhiều cá nhân trên địa bàn đã tự xây dựng cơ sở thu mua, chế biến củ dong riềng. Đến nay, địa bàn xã Mường Phăng có 3 cơ sở chế vừa thu mua, bao tiêu củ dong riềng và chế biến củ dong riềng để lấy tinh bột. Trung bình, công suất mỗi cơ sở chế biến khoảng hơn 10 tấn củ dong riềng/ngày/máy và xả thải trực tiếp cả trăm khối nước rửa củ dong riềng chưa qua xử lý ra ao lắng trước khi xả thải ra suối Nậm Phăng. Nhưng do dung tích bể lắng chứa bã thải ở các cơ sở chế biến dong riềng chưa đủ lớn, nên khoảng 3 đến 4 ngày là chủ cơ sở phải xả thải hàng trăm tấn bã dong riềng ra các ao cạn ở phía sau cơ sở chế biến dong riềng. Các ao chứa bã thải này ngăn cách với suối Nậm Phăng chỉ bằng bở đất cao và hoàn toàn không được phủ lót bạt để chống thấm, các ao chứa này đều có hệ thống cống để thoát nước thải ra suối Nậm Phăng.
Hoạt động xả thải nước rửa và bã dong riềng ra môi trường tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: Xuân Tiến-TTXVN |
Lý giải nguyên nhân tại sao cơ sở chế biến củ dong riềng không tuân thủ các quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình hoạt động, nhiều chủ cơ sở cho rằng do không có kinh phí đầu tư. Ông Trần Minh Đức, Chủ cơ sở chế biến củ dong riềng ở bản Trung Tâm, xã Mường Phăng cho biết: "Để chứa nước rửa củ và bã dong riềng, chúng tôi đã có ao chứa rộng khoảng 1.000 m2, gia đình cũng rắc vôi bột xuống ao để xử lý ô nhiễm. Chúng tôi chỉ làm được đến mức độ như thế thôi, còn để xây dựng hệ thống bể lắng, bể lọc, kinh phí gia đình không có đủ khả năng". Qua khảo sát, hiện tại 3 cơ sở chế biến củ dong riềng trên địa bàn xã Mường Phăng đều nằm trong khu vực trung tâm của xã. Tình trạng ô nhiễm môi trường xuất phát từ hoạt động xả thải của các cơ sở chế biến dong riềng đã gây nên mùi hôi thối và tiếng ồn luôn “bủa vây” khu vực trung tâm xã Mường Phăng và các bản lân cận như bản Bua, bản Che Căn… tiềm ẩn những mối nguy hại về sức khỏe đối với người dân. Minh chứng rõ nhất của việc ô nhiễm môi trường là tại Trung tâm Y tế xã Mường Phăng, nhiều năm qua nguồn nước dưới giếng trong trạm y tế đã không còn sử dụng vì mức độ ô nhiễm quá nặng nề, màu nước luôn trong tình trạng ố vàng, có nhiều cặn bẩn, mảng bám và bốc mùi hôi thối.
Suốt chiều dài khoảng 6 km của suối Nậm Phăng đã bị ô nhiễm nghiêm trọng do hoạt động xả thải của các cơ sở chế biến củ dong riềng trên địa bàn xã Mường Phăng. Ảnh: Xuân Tiến-TTXVN |
Theo y sĩ Lường Thị Thể, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mường Phăng: Nước giếng có mùi hôi thối rất khó chịu, nổi váng bẩn, dù múc lên xử lý qua hệ thống lọc nước vẫn có mùi hôi do lòng giếng đã bị nước dong riềng ngấm vào, nên không sử dụng được nguồn nước này nữa. Do các cơ sở chế biến dong riềng nằm sát ngay cạnh Trạm y tế nên ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân và nghỉ ngơi của cán bộ, nhân viên công tác tại Trạm. “Đã là người bệnh, khi đến đây khám, điều trị cần môi trường yên tĩnh nhưng âm thanh tiếng máy quá ồn từ cơ sở chế biến dong riềng ngay bên cạnh Trạm đã ảnh hưởng rất là lớn đến tâm lý, sức khỏe của bệnh nhân. Không ngày nào được yên khi cơ sở chế biến dong riềng bên cạnh hoạt động. Thời điểm từ buổi trưa đến buổi tối, có mùi bã dong phân hủy rất hôi thối, không thể chịu nổi”, chị Thể nói.
Giếng nước tại Trạm Y tế xã Mường Phăng từ nhiều năm qua đã bị ô nhiễm, không thể sử dụng được do ngấm nguồn nước xả thải từ cơ sở chế biến dong riềng ngay bên cạnh trạm y tế. Ảnh: Xuân Tiến-TTXVN |
Làm việc với phóng viên TTXVN, chính quyền xã Mường Phăng thừa nhận thực trạng các cơ sở chế biến củ dong riềng trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân đã xảy ra từ nhiều năm nay. Nhưng chính quyền địa phương vẫn loay hoay trong việc tìm lời giải cho bài toán phải làm sao để vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tạo sinh kế bền vững cho người dân từ việc trồng cây, tiêu thụ củ dong riềng. Ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, huyện Điện Biên thừa nhận: Quá trình hoạt động, mỗi ngày các cơ sở chế biến dong riềng đã xả thải nước và bã dong riềng với khối lượng lớn ra môi trường đã gây nên tác động xấu đến môi trường, có mùi hôi thối. Nguồn nước mặt trên các con suối bị đen đặc. Nhất là các chất xả thải từ họat động chế biến dong riềng đổ ra suối, phát tán đến các bản làng làm ảnh hưởng đến sản xuất canh tác, nuôi trồng thủy sản của người dân ở gần và hạ lưu suối Nậm Phăng. Địa phương cũng đã tổ chức ký cam kết với các chủ cơ sở chế biến dong riềng trên địa bàn, nhưng các cơ sở sau đó không thực hiện đúng các nội dung đã cam kết. Mặt khác, thẩm quyền xử lý cấp xã khi xử phạt vi phạm hành chính còn ở thấp nên không đủ sức răn đe dối với các cơ sở chế biến dong riềng gây ô nhiễm môi trường. Theo ông Mùa A Kềnh, thời gian tới chính quyền xã sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm; phối hợp với các cơ quan chức năng cấp huyện, tỉnh để xử lý khi các chủ cơ sở chế biến dong riềng cố tình không chấp hành việc đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình hoạt động. Vụ mùa dong riềng năm nay năng suất dong riềng bình quân tại xã Mường Phăng đạt từ 50 đến 60 tấn/ha; thời điểm hiện tại, giá bán củ dong riềng ngay trên địa bàn dao động từ 11.000 đồng đến 13.000 đồng/ kg củ tươi, cao hơn nhiều so với giá dong riềng năm 2017 (từ 7.000 đồng đến 9.000 đồng/ kg củ tươi). Tâm lý được giá, người dân địa phương đang tập trung thu hoạch củ; các cơ sở thu mua, chế biến cũng huy động nhân lực, vận hành công suất để tiêu thụ kịp lượng củ mua vào. Thực tế này, nếu chính quyền địa phương xã Mường Phăng không sớm triển khai các giải pháp căn cơ trong công tác bảo vệ môi trường, tình trạng ô nhiễm sẽ càng xảy ra nghiêm trọng hơn.
Xuân Tiến