“Cháy’’ người giúp việc sau tết

“Cháy’’ người giúp việc sau tết
“Cháy’’ người giúp việc sau tết ảnh 1
Cuộc "khủng hoảng thiếu" người giúp việc đang càn quét các gia đình sau Tết Bính Thân.
Tại một diễn đàn trên mạng, chị Hoàng Thị Hà (Hà Nội) than thở: “Đầu năm bị bà giúp việc cho ăn 'củ hành'. Mình trả giúp việc lương 4 triệu đồng/tháng, Tết về quê, ngoài lương thì mình cũng quà cáp, thưởng, mừng tuổi cho các con, cháu của bà. Bảo bà mùng 6 thu xếp lên sớm với vợ chồng em nhưng bà lại mặc cả phải qua rằm mới lên được. Cho bà nghỉ nhưng công ty đâu có cho em nghỉ. Nghỉ Tết vợ chồng có thể cố gắng lo liệu được nhưng đến ngày đi làm, con không có người chăm, giúp việc thay thế cũng không tìm được. Mọi việc trong nhà đảo lộn hoàn toàn.’’

* Vơ quàng vơ xiên

Chị Cúc, công tác tại một công ty truyền thông ở Hà Nội thì đang lo canh cánh: Chị mới sinh 3 tuần, một con nhỏ ngày nào cũng phải đưa đón đi học. Vậy mà giúp việc ngày 10 Tết điện thoại từ quê thông báo: Nếu không tăng lương lên 4,5 triệu đồng, thì sẽ đi làm cho nhà khác. Nhà em chị chỉ 40 mét vuông, việc dọn dẹp không đáng kể. Con nhỏ thì ngủ với mẹ cả ngày cả đêm, giặt giũ có máy. Chỉ cần người đưa đón cháu bé và nấu ăn, rửa bát. “Lương 4 triệu đồng là đã ổn, nay bác lại đòi tăng. Đã đồng ý với bác rồi, mà nay qua rằm, bác vẫn chưa thấy đến. Không biết xoay sở thế nào đây” – chị Cúc than thở.

Không muốn bị động như vậy, gia đình cô Bình ở làng quốc tế Thăng Long đã lên các diễn đàn, liên lạc với người quen để tìm người giúp việc trong mấy ngày Tết. Biết không thể nào xoay sở với công việc gia đình và 2 đứa con nhỏ được, lại không tìm được người, vợ chồng cô đành phải chi mạnh tay để thuê người giúp việc theo ngày, theo giờ. “Chi phí quá đắt, nhưng trong lúc chờ có người làm lâu dài, gia đình tôi đành chịu vậy”- cô Bình chia sẻ.

Trong khi đó, tại một số công ty chuyên môi giới người giúp việc, tiền thuê người giúp việc sau Tết đang ở mức khá cao. Nếu như cận Tết Nguyên Đán, nhu cầu chủ yếu thuê người dọn dẹp theo giờ, mức giá đã tăng gấp 3 lần so với ngày thường là 50k/giờ -70k/giờ lên 150k/giờ - 200k/giờ, thì sau Tết, nhiều gia đình lại phải thuê người giúp việc theo ngày với mức giá rất “chát”, từ 500.000 đến 1.000.000 đồng/ngày tùy theo gói dịch vụ người giúp việc phổ thông hay chuyên nghiệp. 

Thế nhưng, nguồn cung người giúp việc vẫn khan hiếm, chị Lan - làm việc tại công ty cho thuê người giúp việc tại Thái Thịnh cho biết: “Phần lớn khi ra Giêng, người giúp việc tại các gia đình đều muốn ở nhà đến qua rằm để nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình, người thân. Đây chính là nguyên nhân khiến mức tiền thuê người giúp việc sau Tết tăng vọt. Mà khách hàng có tiền cũng chẳng thu được vì chúng tôi không kiếm đâu ra người”.

Để có người trông em bé khi mẹ đi làm sau Tết, chị Hạnh (Lò Đúc, Hà Nội) vừa phải nhận một người giúp việc do trung tâm môi giới. “Nuôi con nhỏ, em muốn người nhanh nhẹn, sạch sẽ, mặt mũi dễ coi một chút. Nào ngờ bác xe ôm thả xuống một giúp việc ngoài 50, mắt mũi kèm nhèm, làm gì cũng chậm, không biết sử dụng các thiết bị đơn giản như nồi cơm điện, lại không biết việc… rửa bình sữa. Cả nhà em ngao ngán, nhưng đành bảo nhau: “Thôi dùng tạm, hy vọng vài tháng thì quen việc. Như vậy còn may chán”!

Chị Hạnh cho biết, cùng công ty với chị, có người dù đã thỏa thuận với trung tâm môi giới là người giúp việc đã được đào tạo các kỹ năng cơ bản, song lúc nhận về mới tá hỏa: trung tâm tuyển các lao động phổ thông, chưa kiểm chứng kỹ về nhân thân cũng như kỹ năng lao động. Vì gia đình có nhiều tài sản quý, nên khi giao nhà cho người giúp việc, chủ nhà vừa đi làm vừa thi thoảng phải….liếc camera!

* Bao giờ chuyên nghiệp?

Có thể nói, thiếu người giúp việc đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình ở các thành phố. Thông thường, các gia đình thường tìm đến giúp việc qua sự giới thiệu của người quen, không muốn qua trung tâm môi giới. Ưu điểm của hình thức này là chủ nhà có thể tin cậy (ở mức độ nào đó) người giúp việc. 

Tuy nhiên, nhược điểm là người giúp việc chưa được đào tạo, thiếu tính chuyên nghiệp, không có trách nhiệm với công việc nên những chuyện như nhảy việc, nghỉ làm sau Tết vẫn cứ tiếp diễn. Do không có những cam kết rõ ràng về công việc làm nên cả người giúp việc và chủ nhà đều có những điểm không được hài lòng về nhau, ví như người làm thì muốn bớt việc, điều kiện ăn ở, đối xử tốt, còn chủ nhà thì muốn giúp việc chăm chỉ, nỗ lực, khéo léo hơn. Và cũng vì không có hợp đồng với nhau nên bất cứ khi nào người giúp việc cũng có thể thiệt thòi, hoặc người giúp việc tự ý bỏ việc khiến chủ sử dụng lao động lâm vào thế bị động.

Để xảy ra tình trạng này, một phần cũng do các trung tâm môi giới việc làm chưa đủ sức tạo được sự tin tưởng cho người sử dụng lao động. Không thiếu trung tâm chỉ tuyển dụng, đào tạo người giúp việc một cách chiếu lệ, thu khoản lệ phí môi giới cao, và hầu như việc bảo đảm nhân thân cũng như hợp đồng lâu dài đều bị bỏ ngỏ. Suy ra, sâu xa, chính là do chưa có một chế tài đủ chặt chẽ và mạnh để quản lý hoạt động môi giới giúp việc của các trung tâm này.

Có thể bạn quan tâm