Đồng bào Hre Minh Long thu hoạch chè trên nương rẫy. Ảnh: Phước Ngọc-TTXVN |
Ông Đinh Văn Điết, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long cho hay, toàn huyện có hơn 100 ha diện tích trồng chè, trong đó, tập trung nhiều nhất ở xã Long Hiệp (hơn 40 ha) và rải rác tại một số xã khác như Thanh An, Long Mai… Mỗi hộ đồng bào Hre ít nhiều gì cũng có vài ha chè trên nương rẫy nhà mình, họ xem nó như “của để dành”, cứ khi nào túng thiếu thì lại hái bán lấy tiền chi tiêu. Cũng giống như các loài cây trồng khác, cây chè Minh Long từng trải qua chuỗi ngày thăng trầm trên thị trường khi nguồn cung vượt nguồn cầu. Thế nhưng, người dân chưa bao giờ có ý định “quay lưng” lại với nó, bởi lẽ, nó đã gắn bó với họ lâu lắm rồi, qua nhiều thế hệ. Chè Minh Long nhờ hấp thụ tinh túy của đất trời nên có hương vị thơm ngon, đậm đà, vị đắng chát khá đặc trưng. Có thể nó không thể đem so sánh ngang hàng với các danh chè Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng (Yên Bái) hay Ô Long (Lâm Đồng), chè nõn Tân Cương (Thái Nguyên)… nhưng suy cho cùng, cũng ở mức “một chín, một mười”. Để cây chè Minh Long vươn xa khắp mọi miền đất nước, Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp đã nỗ lực "khoác” cho loại cây trồng này một lớp áo mới mà xưa nay chưa có tiền lệ. Đó là, xây dựng nhãn hiệu và đưa vào bày bán ở siêu thị.
Thành viên HTX Nông nghiệp Long Hiệp đang sơ chế chè sau thu hoạch, đóng gói, in nhãn mác để chuẩn bị xuất hàng. Ảnh: Phước Ngọc-TTXVN |
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp Nguyễn Đình Dũng cho hay, Hợp tác xã và chính quyền địa phương đã phải quyết tâm rất lớn, dành nhiều thời gian, tâm sức cho sản phẩm. Thành công nhất là mới đây, từ sự định hướng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Hợp tác xã đã tự tìm đầu ra bằng cách liên hệ với Ban giám đốc Co.opmart Quảng Ngãi để chào hàng. Sau đó thời gian, chính đơn vị này đã chuyển hàng vào Saigon Co.op (cấp cao hơn) và được duyệt, cấp mã số chính thức nhập hàng vào siêu thị từ ngày 1.11/2018. Ngày 22/11/2018 được xem là “mốc son” lớn cho Hợp tác xã, người dân nơi đây khi chuyến hàng đầu tiên gồm 45 sản phẩm “đặt chân” vào siêu thị Co.opmart Quảng Ngãi, đánh dấu sự “hồi sinh” của cây chè trên đất Minh Long. Ngoài ra, huyện Minh Long đã triển khai Dự án xác lập nhãn hiệu cho cây chè với tổng kinh phí lên tới hơn 2 tỷ đồng trong giai đoạn 2016- 2019. Phía Hợp tác xã đầu tư 500 triệu đồng vốn đối ứng để mua sắm thiết bị máy ly tâm (máy tạo ráo nước); hệ thống máy đóng gói; hút chân không, đầu tư dây chuyền vận chuyển khi nông hộ thu hoạch từ đồi về nhà máy và mở 14 đại lý trong toàn tỉnh để mở rộng thị trường. Theo ông Nguyễn Đình Dũng, một khi sản phẩm đầu tay được khách hàng ưa chuộng, dự kiến thời gian tới, cứ 2-3 ngày, Hợp tác xã sẽ tiếp tục cung cấp khoảng 450 sản phẩm (mỗi sản phẩm chứa nửa ký chè) cho siêu thị Co.opmart Quảng Ngãi, và hướng tới mở rộng nguồn cung ra các siêu thị khác như Co.opmart Quy Nhơn (Bình Định) và Co.opmart Tam Kỳ (Quảng Nam). Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hồng Ca, Giám đốc Co.opmart Quảng Ngãi cho biết, siêu thị hỗ trợ trưng bày mặt hàng ngay vị trí tốt nhất để người tiêu dùng dần quen và biết đến sản phẩm. Tuy nhiên, do mới nhập hàng nên lượng tiêu thụ chưa cao. Nếu như trước đây, giá chè bán cho thương lái chỉ dao động ở mức 4.000-5.000 đồng/kg thì nay, khi được Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp bao tiêu đầu ra, mức giá đã tăng lên gấp đôi, từ 7.000- 8.000 đồng/kg. Mỗi ngày, nếu làm siêng, mỗi hộ dân trồng chè cũng kiếm được vài trăm ngàn từ việc thu hoạch lá. Theo tính toán sơ bộ, mỗi ha chè cho thu nhập bình quân từ 30-40 triệu đồng/hộ/năm, trong khi đó, cây keo cho thu nhập bình quân 60- 70 triệu đồng/hộ/chu kỳ (4-5 năm). Do giá trị kinh tế của cây chè cao gấp nhiều lần nên đồng nghĩa với việc diện tích không ngừng tăng lên qua từng năm. Chị Đinh Thị Bâu, thành viên Hợp tác xã chia sẻ, trên mỗi bịch chè đều có dòng logo “Chè xanh Minh Long 100% tự nhiên” ở mặt trước và kèm theo nguồn gốc, xuất xứ, công dụng, cách bảo quản, mã sản phẩm ở mặt sau để khách hàng yên tâm hơn khi chọn mua. Phó chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết thông tin thêm, để phát triển bền vững, huyện sẽ lên phương án trồng mới từ 4-5 ha chè/năm và định hướng đến năm 2020 sẽ nhân rộng ra diện tích 400-500ha để đảm bảo nguồn cung ổn định, lâu dài. “Chúng tôi rất quan tâm đến việc tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đồng bào Hre để họ áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Và điều tiên quyết để giữ vững thương hiệu không gì khác là phải đảm bảo “sạch 100%” từ khâu trồng đến khâu tiêu thụ”, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp khẳng định. Chè có tên khoa học là Camellia Sinensis (L), họ chè THEACEAE. Theo Y học cổ truyền, nó có tác dụng giúp tiêu hóa, sáng mắt, trung hòa độc tố, vào các kinh tâm, phế vị. Y học hiện đại cũng đã chứng minh rằng, chè còn có các tác dụng kỳ diệu trong việc phòng chống các chứng bệnh nguy hiểm như ung thư, Parkinson, các bệnh tim mạch, ngăn cản vi rút phát triển…
Vĩnh Trọng