Khủng hoảng về sức khỏe tinh thần đối với trẻ em Mỹ đã trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đó là kết quả của hai nghiên cứu mới được Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố ngày 18/2.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu những dữ liệu về số lần các em nhỏ tới khám tại khoa cấp cứu dành cho bệnh nhi trong thời gian từ năm 2019 đến tháng 1/2022.
Một trong hai nghiên cứu trên cho thấy số lần các em nhỏ được đưa tới khám về các vấn đề liên quan bệnh COVID-19 đã tăng lên trong suốt thời gian đại dịch. Ngoài ra, số lần tới khám và tần suất tái khám ghi nhận theo tuần đối với một số trường hợp tổn thương, một số bệnh mãn tính và các lần khám liên quan đến các vấn đề sức khỏe hành vi cũng gia tăng, đặc biệt là ở trẻ em từ 5 đến 17 tuổi.
Trong khi đó, nghiên cứu còn lại chỉ ra rằng các bé gái ở độ tuổi vị thành niên có xu hướng gia tăng suy nghĩ tiêu cực về nhiều vấn đề của cuộc sống. Trong đại dịch, tỷ lệ các bé gái trong tuổi này được đưa đến khám vì rối loạn ăn uống đã tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đó, trong khi số trường hợp mắc triệu chứng rối loạn giật cơ mặt cũng tăng gấp 3 lần ở nhóm bệnh nhi này.
Bé gái ở tuổi mới lớn có xu hướng đi khám bệnh thường xuyên hơn khi trẻ trong lứa tuổi này thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần hơn. Theo CDC Mỹ, tình trạng trên có thể xuất phát từ các nguy cơ liên quan đại dịch COVID-19 và trở nên tồi tệ hơn khi các em gặp trở ngại trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần do những ảnh hưởng của đại dịch.
Qua hai nghiên cứu trên, CDC Mỹ khuyến nghị cộng đồng nâng cao nhận thức và quan tâm đến sức khỏe tinh thần ở trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn hiện hữu.
Thanh Phương