|
Vườn cam áp dụng mô hình trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP của bà con nông dân bản Pha, xã Yên Khê, huyện Con Cuông |
Là một trong những địa bàn trọng điểm của thương hiệu Cam Vinh, cam Con Cuông từ lâu đã hấp dẫn người tiêu dùng với chất lượng nổi trội. Cam Con Cuông có vị ngọt, hương nồng... tạo nên giá trị đặc trưng của cây cam trên vùng đất miền Tây xứ Nghệ.
|
Thiết bị hỗ trợ sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cam do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ |
Xác định cây cam là một trong những loại cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương, huyện Con Cuông đã từng bước mở rộng, phát triển diện tích trồng cam để thay thế những cây trồng không phù hợp, năng suất thấp. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Con Cuông, toàn huyện hiện có hơn 260 ha trồng cam, tập trung nhiều nhất ở các xã Yên Khê, Chi Khê và Bồng Khê. Tất cả các hộ trồng cam đều áp dụng mô hình trồng trọt an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, từ hệ thống nước tưới bằng công nghệ nhỏ giọt đến sử dụng các chế phẩm vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ quy trình kỹ thuật.
|
Khách du lịch tìm hiểu các sản phẩm được làm từ cam Con Cuông. |
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, huyện Con Cuông đã đưa các giống cam V2, cam Vân Du, cam Xã Đoài với 2 loại chín sớm và chín muộn về trồng, bắt đầu từ cuối tháng 10 năm trước đến tháng 2, tháng 3 năm sau. Với giá bán từ 30.000 - 60.000 đồng/ kg, người trồng cam có thể thu lãi từ 500 - 700 triệu đồng/ha/ năm. Đặc biệt, với sự giúp đỡ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), nhiều sản phẩm từ cam Con Cuông đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường như: mứt vỏ cam, rượu men cam, rượu cam, xà phòng cam, tinh dầu cam, sirô cam…
|
Huyện Con Cuông phấn đấu đến năm 2020, diện tích trồng cam đạt 450 ha, tập trung chủ yếu tại các xã: Yên Khê, Chi Khê, Bồng Khê, Thạch Ngàn... |
Theo ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Con Cuông, huyện phấn đấu đến năm 2020, diện tích trồng cam đạt 450 ha, tập trung chủ yếu tại các xã: Yên Khê, Chi Khê, Bồng Khê, Thạch Ngàn, Đôn Phục, Mậu Đức, Châu Khê, Lục Dạ. Huyện cũng từng bước phục hồi nhãn hiệu cam Con Cuông thông qua việc hỗ trợ tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm...
|
Cây cam đem lại hiệu quả kinh tế cao nên người dân Con Cuông đã tích cực mở rộng diện tích, đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới vào sản xuất |
|
Một số sản phẩm rượu, mứt, tinh dầu... được làm từ cam Con Cuông |
|
Người dân Con Cuông hiện đã tự tin sản xuất ra các sản phẩm từ cam, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây |