Nông dân xã Lê Lợi (Thạch An) chăm sóc ngô vụ đông xuân. |
Ngoài hộ ông Trường, tại xã Trọng Con trong 2 năm (2013, 2014), cả xã có 129 hộ cận nghèo, hộ nghèo thoát nghèo. Theo ông Triệu Văn Khách, Chủ tịch UBND xã Trọng Con, Chương trình giảm nghèo thực hiện hiệu quả bởi xã nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện. Cấp ủy, chính quyền xã xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm nên đã kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình giảm nghèo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, cán bộ, đảng viên thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo. Đội ngũ cán bộ, đảng viên vào cuộc bằng tinh thần trách nhiệm cao, giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo làm các thủ tục vay vốn ngân hàng phát triển sản xuất, hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn, tạo động lực để hộ nghèo vươn lên.
Yếu tố quan trọng giúp hộ nghèo vươn lên không chỉ là tạo điều kiện về vốn, đất sản xuất và các biện pháp hỗ trợ khác mà cần phải bồi đắp khát vọng thoát nghèo, làm giàu trong mỗi người nghèo. Do đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể của huyện tích cực tuyên truyền, vận động các hộ nghèo xóa bỏ tập tục lạc hậu trong sản xuất, ra sức thi đua lao động, sử dụng đồng vốn hiệu quả. Nội lực từ mỗi gia đình, bản thân mỗi người nghèo đã được khơi dậy, tự nhận thấy nghèo rất vất vả nên đã chắt chiu cơ hội, trân trọng sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và cộng đồng vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Từ năm 2010 đến nay, huyện đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ để có nhiều chương trình, dự án phục vụ chương trình giảm nghèo. Huyện phân bổ gần 300 tỷ đồng từ nguồn vốn các chương trình: 135, 120, 134, nguồn ngân sách tập trung, Trung ương hỗ trợ có mục tiêu..., để hỗ trợ các hộ nghèo thông qua các chính sách, dự án thuộc Chương trình giảm nghèo, như: Chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo, 2.868 hộ đã được hỗ trợ vay vốn trên 72 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, tăng thu nhập; hỗ trợ 572 hộ dân tham gia mô hình trình diễn, hội nghị đầu bờ và 3.647 hộ nghèo được tập huấn về kiến thức phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả cây trồng, vật nuôi; trên 510 lao động thuộc hộ nghèo và dân tộc thiểu số được đào tạo học nghề, sau học nghề, 70% lao động tự tạo được việc làm và được giới thiệu tìm việc làm có thu nhập ổn định; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho 50.944 lượt người; miễn giảm học phí cho 1.659 học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo; 12.883 lượt học sinh được hỗ trợ sách giáo khoa, đồ dùng học tập; hỗ trợ 2,838 ha đất sản xuất cho 12 hộ nghèo... Đặc biệt, hỗ trợ vốn triển khai các mô hình, dự án phát triển kinh tế như: Trồng lạc, cây mỡ, quýt, lợn giống..., tại các thôn, xóm, qua đó, các hộ dân được thụ hưởng các dự án, mô hình đã cải thiện đời sống, có thu nhập ổn định, nhiều hộ thoát nghèo.
Phó Chủ tịch UBND Nông Thị Ngọc Chiên, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện Thạch An cho biết: Các thành viên Ban Chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các giải pháp giảm nghèo. Ban Chỉ đạo các cấp thường xuyên được kiện toàn, bổ sung để huy động sức mạnh tổng hợp tham gia công tác giảm nghèo. Nhờ đó, công tác giảm nghèo tại huyện đạt được những kết quả đáng mừng. Năm 2011, toàn huyện có 3.768 hộ nghèo, chiếm 51,82%, đến năm 2015 đã có gần 2.000 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 25%, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm bình quân 5%. Trong đó, có những năm số hộ thoát nghèo cao và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, như: Năm 2012, có 446 hộ thoát nghèo, đạt 6,46%, vượt 2,46% so với chỉ tiêu đề ra là 4%; năm 2014, có 495 hộ thoát nghèo, đạt 7,01%, vượt 2,01% so với chỉ tiêu đề ra là 5%. Tuy nhiên, dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đang bộc lộ một số hạn chế, như: Chưa đảm bảo tính bền vững; một bộ phần người nghèo còn nặng tâm lý trông chờ, thụ động; thiếu đất canh tác, thiếu phương tiện sản xuất; có lao động nhưng không có việc làm... Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Thạch An xác định công tác giảm nghèo vẫn là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên trong thời gian tới.
Báo Cao Bằng