Hệ thống loa phát thanh "khủng" của Hàn Quốc. Ảnh: Dailymail
|
Triều Tiên sáng 21/8 tuyên bố lãnh đạo Kim Jong-un của nước này đã ra lệnh cho các đơn vị quân đội sẵn sàng tấn công các loa phát thanh gần biên giới mà gần đây Hàn Quốc đã sử dụng để phát thông điệp tuyên truyền chống Triều Tiên. Ông Kim Jong-un đã ra tối hậu thư cho Hàn Quốc theo đó yêu cầu tắt ngay loa phóng thanh nếu không sẽ đáp trả bằng hành động quân sự.
Ông Kim Jong-un cũng yêu cầu binh sĩ ở tiền tuyến bước vào tình trạng chiến tranh, sẵn sàng đáp trả bất kỳ hành động bất ngờ nào từ Hàn Quốc. Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố: “Quân đội và nhân dân chúng tôi chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tổng lực, không chỉ đơn giản để trả đũa hay phản ứng mà là để bảo vệ hệ thống mà nhân dân chúng tôi đã chọn. Tình hình đã tới bờ vực chiến tranh và không còn đảo ngược được nữa”. Tại New York, Phó đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc An Myong-hun cũng cảnh báo: “Nếu Hàn Quốc không đáp ứng tối hậu thư, phản ứng quân sự sẽ không thể tránh khỏi và phản ứng sẽ rất mạnh”.
Về phía mình, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vội vã gác lại mọi chương trình nghị sự quan trọng để chủ trì một cuộc họp khẩn với Hội đồng An ninh Quốc gia. Bà ra lệnh quân đội Hàn Quốc đáp trả cứng rắn nếu Triều Tiên có hành động. Bà nói: “Chúng ta không bao giờ có thể dung thứ cho hành động khiêu khích của Triều Tiên mà có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn của binh sĩ, người dân chúng ta”.
Yêu cầu, đe dọa, trả đũa, tối hậu thư là những thứ mà hai miền Triều Tiên thường “dành” cho nhau từ lâu. Bên nào cũng có xu hướng phản ứng giận dữ quá mức cần thiết với bất kỳ hành động nào của bên kia mà mình coi là khiêu khích. Các xung đột đôi khi biến thành các vụ nã pháo qua lại rồi sau đó lại “ai về nhà nấy”.
Tuy vậy, căng thẳng mới nhất có đôi điều khác biệt là sự xuất hiện của cái loa phát thanh. Sự tình bắt đầu khi ngày 4/8 khi hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương nặng trong một vụ nổ mìn ở Khu vực phi quân sự dọc biên giới hai nước. Bên Hàn đổ lỗi cho bên Triều gài mìn làm hai binh sĩ của mình bị thương nặng, một người mất cả hai chân, một người mất một chân.
Thực ra, từ thời chiến tranh Triều Tiên, cả hai miền đã gài hàng trăm nghìn quả mìn trong và gần khu vực phi quân sự dọc biên giới để ngăn bị xâm nhập. Hàng trăm nông dân Hàn Quốc gần biên giới từng bị thương hoặc thiệt mạng do giẫm lên hoặc nhặt phải mìn còn sót lại.
Sau vụ hai binh sĩ bị thương, ngày 10/8, Hàn Quốc trả đũa bằng cách lần đầu tiên trong vòng 11 năm qua đã khởi động lại hệ thống loa phát thanh “khủng” để tuyên truyền chống Triều Tiên dọc biên giới. Hàn Quốc đã lắp đặt lại hệ thống loa ở 11 khu vực trên đỉnh đồi dọc khu vực phi quân sự bất chấp đã nhất trí với Triều Tiên rằng hai bên chấm dứt chống phá nhau bằng loa từ năm 2004. Hàn Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục bật loa cho đến khi Triều Tiên nhận trách nhiệm và xin lỗi vụ gài mìn mà bên Triều Tiên bác bỏ mình là thủ phạm. Khi thấy Hàn Quốc vi phạm thỏa thuận và coi đây là hành động tuyên chiến trực tiếp, Triều Tiên hôm 17/8 cũng “cáu tiết” bật hệ thống loa của mình.
Hệ thống loa phát thanh của Hàn Quốc liên tục dội âm thanh khuyếch đại vào tai binh sĩ Triều Tiên ở khu vực phi quân sự và các làng Triều Tiên gần đó. Nội dung phát thanh có cả nhạc pop Hàn Quốc, các bản tin thời sự mà người dân bình thường ở Triều Tiên không được tiếp cận, thậm chí cả thông tin về người Triều Tiên đào tẩu. Mục đích là để làm lung lạc tinh thần đối phương, cho người dân của Triều Tiên thấy thế giới bên ngoài rộng mở là thế nào. “Chiêu” chiến tranh tâm lý này ra đời từ thời Chiến tranh Lạnh – khi cả hai bên dùng nó để kích thích binh sĩ đối phương đào tẩu.
Hành động chiến tranh tâm lý này cũng tương tự với “chiêu” thả bóng bay rải truyền đơn từ Hàn Quốc vào Triều Tiên. Các nhà hoạt động chống Triều Tiên thường bỏ thông điệp vào những quả bóng bay dài rồi thả vào Triều Tiên. Bóng bay còn mang theo cả đĩa DVD, USB hay sôcôla để “mở mang” cho người Triều Tiên nào nhặt được. Những người phản đối thả bóng bay rải truyền đơn cho rằng hình thức chiến tranh tâm lý này là sự khiêu khích không cần thiết. Trong một số trường hợp, hình thức rải truyền đơn này có thể còn bị coi là hành vi xâm phạm từ bên ngoài. Dù kêu gọi các nhà hoạt động ngừng rải truyền đơn nhưng chính chính phủ Hàn Quốc lại tái sử dụng hệ thống loa phát thanh tuyên truyền, có hiệu quả lớn hơn và trực tiếp nhiều lần so với bóng bay.
Hiện chưa rõ Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ tháo ngòi căng thẳng mới này như thế nào. Có thể là xung đột vũ trang sẽ bùng lên hoặc vụ việc lại lắng xuống như những lần trước. Chỉ biết rằng một khi cả hai bên đều bật loa phát thanh hết công suất thì sẽ không bên nào lắng nghe được bên nào và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ “ù tai” trước những cái loa phát thanh.
Báo Tin Tức