Đề xuất thu thuế lãi suất tiền gửi ngân hàng: Cần xem xét tác động lan tỏa tới xã hội. Ảnh minh họa: TTXVN |
Cụ thể, Luật sư Trương Thanh Đức đề xuất, ngoài việc bổ sung khoản thuế thu nhập từ "tiền lãi cho vay" của cá nhân, cần phải quy định thêm việc đánh thuế đối với tiền gửi nói chung, tiền gửi tiết kiệm nói riêng tại các tổ chức tín dụng khi vượt một mức nhất định. Chẳng hạn như cao hơn 2 lần mức thuế khởi điểm mức thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân (tính theo năm).
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, về nguyên tắc khi có thu nhập thì phải chịu thuế, trong trường hợp đề xuất này thì đây là thu nhập lớn.
Bày tỏ quan điểm đồng tình, Chuyên gia ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng khi người dân gửi tiền vào ngân hàng, ngân hàng dùng tiền gửi đó để kinh doanh và sẽ trả người gửi tiền một khoản lợi nhuận. Đây sẽ là khoản thu nhập bình thường và người dân cần phải đóng thuế với khoản thu nhập này.
“Người dân được miễn thuế thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng, những thu nhập trên 9 triệu đồng sẽ cộng cả lãi suất ngân hàng để tính thuế thu nhập cá nhân. Điều này là phù hợp với thông lệ quốc tế, ở Mỹ người dân đều phải đóng thuế từ thu nhập lãi suất ngân hàng” – ông Hiếu bày tỏ.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng đưa ra lưu ý, việc áp dụng nguyên tắc này cần phù hợp với điều kiện và môi trường kinh tế và xã hội của Việt Nam.
“Nếu Chính phủ quyết định đánh thuế trên tiền gửi ngân hàng thì Chính phủ cần đưa ra những quy định về thuế suất phù hợp để bảo đảm an sinh xã hội cho người dân” – ông Hiếu đưa ra gợi ý.
Không đồng tình quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc thu thuế từ lãi suất ngân hàng là hình thức thuế chồng thuế bởi khoản tiền có để gửi ngân hàng thường là tiền tích cóp được sau khi phải đóng thuế từ tiền thu nhập. Việc này không chỉ thiệt thòi cho người dân mà còn gây áp lực cho các ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Tư, Hàm Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, về nguyên tắc, lãi suất tiền gửi ngân hàng phải lớn hơn lạm phát mới thu hút người dân gửi tiền.
Khi đánh thuế vào lãi suất tiền gửi, người dân sẽ cộng khoản lãi suất đó với tỷ lệ lạm phát và khi thấy không có lợi, họ sẽ hạn chế gửi tiền vào ngân hàng. Như vậy, ngân hàng sẽ khó huy động vốn và điều này gián tiếp ảnh hưởng tới nền kinh tế. Bởi thực tế hiện nay, nguồn tiền gửi vào ngân hàng cũng được dành để đầu tư vào xã hội, nền kinh tế.
Cũng bày tỏ băn khoăn, Tiến sĩ, Luật sư Bùi Quang Tín cho rằng với nguồn tiền phần lớn huy động từ người dân, nếu đánh thuế tiền gửi, lãi tiết kiệm thì khả năng rất cao người dân sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác. Và để hút lượng tiền gửi, ngân hàng sẽ tìm cách hỗ trợ người gửi tiền không bị đánh thuế. Việc này sẽ làm méo mó thị trường và gây khó khăn trong quản lý thuế cũng như quản lý của các cơ quan nhà nước.
Bày tỏ quan điểm của mình, bà Nguyễn Thị Tư, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, khi quyết định vấn đề gì, như ở đây là xem xét đề xuất thu thuế lãi suất tiền gửi ngân hàng cần phải có đánh giá tác động. Cụ thể cần xem xét phản ứng của người thụ hưởng trực tiếp như thế nào cũng như tác động lan tỏa đến xã hội.
Hơn nữa, việc đánh giá tác động phải có sự đánh giá độc lập từng khâu tới từng đối tượng một cách thực sự chứ không phải hình thức mới làm rõ được bản chất vấn đề.
Về đề xuất này, đại diện Bộ Tài chính khẳng định: Mọi ý kiến đóng góp đều được ghi nhận, nghiên cứu. Tuy nhiên, có đưa vào dự thảo hay không cần phải đánh giá trên nhiều khía cạnh tác động tới trên tất cả các mặt như kinh tế - xã hội có tính khả thi hay không.
Thu Anh