Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tại các địa phương đang là vấn đề được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm. Đối với thành phố Cần Thơ, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật lớn của khu vực Tây Nam Bộ, việc xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số được xem là bộ phận cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố.
Từng bước nâng lên về số lượng và chất lượng
Thời gian qua, các cấp chính quyền thành phố đã quy hoạch và sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, từng bước phát triển lực lượng đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng. Trong đó, thành phố đặc biệt quan tâm công tác đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực.
Theo thống kê của Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ, đến tháng 9/2022, số lượng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số đang công tác tại thành phố là 666 người trên tổng số 25.195 cán bộ, công chức viên chức. Trong đó, cán bộ dân tộc thiểu số có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên là 494 người, chiếm 74,17%.
Đánh giá về vai trò và chất lượng của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số hiện nay, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ Châu Việt Tha cho biết, cán bộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn đều hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Qua quá trình công tác, lực lượng này đã phát huy tốt vai trò là “cầu nối” với đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng việc am hiểu phong tục, tư tưởng, văn hóa của đồng bào, các cán bộ dân tộc thiểu số dễ dàng đưa chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước đến với bà con, góp phần nâng cao tính hiệu quả trong các phong trào xây dựng tại địa phương, đặc biệt là phong trào nông thôn mới. Từ đó, tập hợp được sức mạnh khối đoàn kết các dân tộc.
Mặc dù vậy, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số của thành phố vẫn chiếm tỷ lệ khá thấp. Mới có 2,94% cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị của thành phố; 14,83% cán bộ dân tộc thiểu số giữ chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị.
Sở Nội vụ thành phố nhận định, trong tương lai cần có giải pháp để cải thiện tình hình này, cần có chính sách đặc thù, ưu tiên để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tộc thiểu số trong việc học tập, đào tạo và tuyển dụng.
Phát triển đội ngũ cán bộ chất lượng cao
Nhằm thực hiện mục tiêu của Chính phủ về phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành nhiều kế hoạch liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.
Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành các Kế hoạch số 35 ngày 15/3/2017 về việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố; Kế hoạch số 168 ngày 17/11/2017 về việc thực hiện Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới; Kế hoạch số 118 ngày 9/7/2019 về thực hiện Đề án bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2020-2025.
Ngoài ra, để thực hiện hiệu quả nguồn nhân lực cũng như Chiến lược công tác dân tộc, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành các kế hoạch về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Cần Thơ; về việc thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố.
Theo Ban Dân tộc thành phố, một trong những mục tiêu Cần Thơ đề ra là: phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, nhanh, bền vững, đẩy mạnh giảm nghèo những nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; đồng thời phát triển nhanh nguồn nhân lực dân tộc thiểu số, tăng cường số lượng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, thành phố luôn ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số được đào tạo về nghiệp vụ và chuyên môn. Từ năm 2020 đến cuối năm 2022, có hơn 1.903 lượt cán bộ dân tộc thiểu số được cử đi đào tạo, bồi dưỡng về chính trị (108 lượt), nghiệp vụ chuyên ngành (586 lượt) và tin học, ngoại ngữ (1.112 lượt).
Nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số của thành phố Cần Thơ đạt chất lượng cao, thời gian tới, thành phố chủ trương rà soát chặt chẽ công tác quy hoạch, đào tạo, tiếp tục cử cán bộ, công chức, viên chức dân tộc thiểu số đi đào tạo phù hợp chuyên môn, năng lực, sở trường công tác. Đặc biệt gắn công tác tuyển dụng với sử dụng hiệu quả, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ dân tộc thiểu số bền vững, lâu dài.
Thành phố cập nhật kịp thời và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách dân tộc, chính sách đặc thù để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố nói chung, lực lượng cán bộ dân tộc thiểu số nói riêng, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực phù hợp với vai trò thành phố trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trung Kiên