Cần Thơ phấn đấu đến năm 2030 hình thành mạng lưới y tế thông minh. Đó là thông điệp được đưa ra tại Hội thảo Chuyển đổi số ngành Y tế thành phố Cần Thơ, lần 1 năm 2023, do Sở Y tế tổ chức ngày 10/8.
Tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Thời gian qua Đảng, Chính phủ đã có chủ trương, các chính sách tạo điều kiện, thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thông tin, chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ. Đây là cơ sở vững chắc để phát huy vai trò của công nghệ thông tin, chuyển đổi số; trên đó, kịp thời nắm bắt những cơ hội do kỷ nguyên kỹ thuật số mang lại.
Nhìn chung, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cộng đồng đã có bước phát triển. Người dân, người bệnh được hưởng lợi từ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác y tế như giảm thiểu thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi. Người bệnh chủ động được lịch khám cũng như có thể đặt lịch bác sĩ khám. Việc lưu trữ hồ sơ điện tử tránh thất lạc cũng như dễ tra cứu lịch sử điều trị…
Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao sự phối hợp, hỗ trợ của các ban ngành thành phố Cần Thơ để công tác ứng dụng công nghệ thông tin nói chung, chuyển đổi số nói riêng, đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Ngành Y tế thành phố tập trung triển khai các nhiệm vụ của Đề án Phát triển ứng dụng về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử và thực hiện kết nối chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh; triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân gắn chíp, thanh toán không dùng tiền mặt; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin phòng, chống COVID-19...
Cần Thơ là địa phương có kế hoạch chuyển đổi số ngành Y tế và sớm thực hiện Đề án Xây dựng nền y tế thông minh. Với những kết quả đạt được, thành phố đã bước đầu thể hiện vai trò dẫn đầu, tạo sự lan tỏa về chuyển đổi số y tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hệ thống ngành Y tế Cần Thơ hiện gồm 13 đơn vị khám, chữa bệnh tuyến thành phố, 3 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 80 trạm y tế tuyến xã. Bên cạnh đó, trên địa bàn còn có 5 bệnh viện thuộc bộ, ngành và 7 bệnh viện tư nhân. Từ tháng 3/2023, thành phố đã triển khai thí điểm phần mềm Hồ sơ sức khỏe tại 106 cơ sở y tế. Đến nay, tổng số lượt khám, chữa bệnh được liên thông trên Hồ sơ sức khỏe đạt gần 7,1 triệu lượt. Hiện 100% đơn vị y tế trên địa bàn thành phố đã triển khai ít nhất một giải pháp thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt, tạo thuận tiện cho người dân, giúp tránh mất mát, nhầm lẫn cũng như phải chờ đợi lâu…
Cần Thơ phấn đấu đến năm 2030, hình thành được mạng lưới y tế thông minh dựa trên 3 trụ cột: Phòng bệnh thông minh; Khám, chữa bệnh thông minh; Quản trị y tế thông minh. Để làm được điều đó, theo Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, thành phố sẽ chú trọng các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: xây dựng kho dữ liệu y tế tập trung, thành lập đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin tại các tuyến y tế cơ sở. Ngành Y tế thành phố cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài thực hiện chuyển đổi số y tế. Việc đầu tư không chỉ dừng lại ở hạ tầng công nghệ, máy móc thiết bị, mà còn ở nhân sự, khả năng làm chủ công nghệ…
Đặc biệt, Tiến sĩ Hoàng Quốc Cường nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cần thiết phải xây dựng hệ sinh thái y tế thông minh; trong đó bao gồm 3 nhóm đối tượng được thụ hưởng là nhân viên y tế, sinh viên ngành y, bệnh nhân. Các y, bác sĩ có thể tương tác với bệnh nhân trên môi trường số, đặt lịch khám, tư vấn, kê đơn trực tuyến; các chuyên gia có thể tương tác với sinh viên thông qua các khóa đào tạo trực tuyến; bệnh nhân có thể được hướng dẫn chăm sóc hoặc cấp cứu tại nhà thông qua các phần mềm y tế…
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị ngành Y tế thành phố Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Thành phố cần tập trung triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hồ sơ số về sức khỏe điện tử, quản lý sức khỏe người dân; triển khai phần mềm quản lý tổng thể trạm y tế, có đầy đủ các chức năng cần thiết. Đồng thời, thành phố triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện tại các cơ sở khám, chữa bệnh; thúc đẩy mô hình thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng Căn cước công dân gắn chíp, nhận dạng sinh trắc học khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Theo Thứ trưởng, ngành Y tế thành phố Cần Thơ cần quan tâm hơn nữa đến ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực Y tế dự phòng nhằm đáp ứng yêu cầu hỗ trợ đắc lực công tác quản lý, phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh mới nổi, nguy hiểm như COVID-19...
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phải đảm bảo có dữ liệu tổng thể, toàn diện, “đúng - đủ - sạch - sống”. Thành phố cần có phương tiện phục vụ trực tuyến, thông minh công tác quản lý, điều hành; nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Ánh Tuyết