Cần quy hoạch đồng bộ để chống ngập cho các đô thị Đồng bằng sông Cửu Long

Cần quy hoạch đồng bộ để chống ngập cho các đô thị Đồng bằng sông Cửu Long

Nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng thời gian qua, theo nhiều chuyên gia là do biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt, việc xây dựng các cụm tuyến dân cư, hệ thống đê bao bảo vệ các làng, các đô thị ở vùng ngập sâu; do hệ thống đê bao chống lũ triệt để với chiều dài gần 20.000km để bảo vệ 6.000 ô ruộng trồng 3 vụ lúa, hệ thống bờ bao dài gần 18.000km để bảo vệ hơn 4.000 ô ruộng lúa 2 vụ. 

Việc xây đê bao đã gây cản trở dòng chảy, giảm diện tích tích trữ lũ cùng với các tác động của biến đổi khí hậu, làm cho chế độ mưa lũ thay đổi cực đoan, mực nước biển dâng làm cho vấn đề ngập lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt ở các đô thị ngày càng gay gắt. Mực nước lũ tại đầu nguồn Tân Châu, An Giang năm 2011 thấp

Một góc thị xã Hà Tiên (Kiên Giang). Ảnh: TTXVN
Một góc thị xã Hà Tiên (Kiên Giang). Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Na Uy năm 2013, do việc khai thác nước ngầm quá mức ở vùng Bán đảo Cà Mau phục vụ nuôi trồng thủy sản và nước sinh hoạt, cùng với đất trầm tích mới, phát triển cơ sở hạ tầng,… đã dẫn đến lún sụt mặt đất hàng năm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 3cm, gấp 10 lần so với tốc độ của nước biển dâng, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì 20 năm nữa mức lún sụt đất có thể lên từ 1m đến 1,3m. 

Nguyên nhân sâu xa của vấn đề ngập úng là do Đồng bằng sông Cửu Long chưa có quy hoạch với tầm nhìn dài hạn, chưa có quy hoạch toàn vùng với sự tham gia của hầu hết các ngành kỹ thuật, kinh tế và xã hội. Chủ yếu Đồng bằng sông Cửu Long đang được quy hoạch theo từng ngành riêng rẽ, với thời gian ngắn. 

Như ngành xây dựng chỉ quan tầm giải quyết chống ngập úng cho các nội ô đô thị, nhưng lại chưa chú ý tác động của các đô thị đó với toàn bộ Đồng bằng sông Cửu Long. 

Để bảo vệ ngập úng cho các thành phố ven biển và trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua đã có các cách làm riêng lẻ như lập và phê duyệt quy hoạch bảo vệ cho thành phố Cần Thơ với diện tích được bảo vệ là gần 50.000ha, được chia thành 18 ô bao, được bảo vệ bởi gần 300km đê và 35 trạm bơm tiêu. 

Thành phố Vĩnh Long với diện tích được bảo vệ gần 5.000ha, được phân thành 15 ô bao và bố trí 8 trạm bơm tiêu cho vùng đô thị tập trung. Thành phố Cà Mau với diện tích bảo vệ là gần 15.000ha, chia làm 6 ô bao, được bảo vệ bởi 120km đê bao và 4 trạm bơm tiêu. Trong thời gian tới, nhiều đô thị của các tỉnh Tiền Giang, Long An, An Giang… cũng sẽ được quy hoạch, xây dựng nhằm chống ngập úng với những giải pháp tương tự. 

Theo Giáo sư Tiến sĩ Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng bằng sông Cửu Long có địa thế bằng phẳng, mọi biến động về chế độ thủy văn, nguồn nước đều tác động tới tất cả các vị trí, các đô thị trong đồng bằng, ngược lại mọi sự tác động vào các đô thị đều có tác động lan tỏa ra toàn vùng. Vấn đề tiêu nước và úng ngập ở các đô thị đều phụ thuộc vào chế độ nước trên đồng bằng. Nếu chỉ giải quyết tiêu nước cho một đô thị trong bối cảnh hiện nay sẽ không đồng bộ, sẽ tạo ra tác động xấu đối với những vùng xung quanh. 

Cũng theo Giáo sư Tiến sĩ Học, trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển tiếp tục dâng, lũ tiếp tục gia tăng, thân đê, nền đê và đặc biệt đất của Đồng bằng sông Cửu Long và các thành phố khu vực này vẫn tiếp tục lún sụt, xói lở gia tăng do thiếu hụt phù sa từ thượng nguồn, làm sao chúng ta đủ nguồn lực để duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp và quản lý 6.000 vùng được đê bao với chiều dài đê gần 60.000km? Sự rủi ro sẽ luôn tồn tại và tiếp tục gia tăng theo thời gian. 

Chẳng hạn như để chống lũ năm 2000, Đồng bằng sông Cửu Long cần có khoảng 40.000km đê chống lũ và nếu cả đê chống lũ cho vụ Hè Thu thì tổng chiều dài đê bao sẽ lên tới gần 60.000km, với vốn đầu tư khoảng 170.000 tỉ đồng. Ngoài việc Đồng bằng sông Cửu Long mất rất nhiều kinh phí đầu tư, nơi đây còn mất nhiều rất nhiều diện tích đất, trên 100.000ha để xây dựng hệ thống đê bao. 

Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, hiện nay Cần Thơ đang thực hiện nhiều công trình nhằm chống ngập úng, thích ứng biến đổi khí hậu cho vùng lõi đô thị thành phố. Theo kế hoạch, toàn bộ vùng lõi đô thị thành phố Cần Thơ sẽ được hệ thống đê bao và trạm bơm tiêu thoát nước bảo vệ khỏi sự ngập úng, thích ứng với biển đổi khí hậu. Song mức độ thành phố bị ngập úng ngày một tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước, cũng như sự phức tạp của khí hậu, thời tiết ngày một bất thường trên diện rộng, nên một mình thành phố Cần Thơ sẽ không đủ khả năng chống chịu mà rất cần có sự hỗ trợ, phối hợp từ bên ngoài trong chống ngập úng đô thị cũng như thích ứng biến đổi khí hậu thời gian tới. 

Giáo sư Tiến sĩ Đào Xuân Học cho rằng: Nhà nước cần phải tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch một cách đồng bộ từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên; từ đa ngành đến đơn ngành và từ các ngành riêng rẽ ngược lên đa ngành theo nhiều chu trình lặp. Việc có một cơ quan đầu mối tại Đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ có khả năng làm việc này, làm đầu mối giúp Chính phủ trong việc tổ chức thực hiện, quản lý các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các ngành kỹ thuật cơ sở hạ tầng trong vùng là hết sức cần thiết. 

Khi có một cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện và quản lý quy hoạch vùng, vẫn cần có sự phối hợp trong quy hoạch sử dụng đất; sự phối hợp trong phát triển cơ sở hạ tầng kỷ thuật của từng ngành và từng địa phương. Ngoài ra cần có sự phối hợp trong phát triển nguồn nhân lực, ban hành chính sách thu hút đầu tư; sự phối hợp trong khai thác và chia sẽ nguồn tài nguyên chung, cũng như trong bảo vệ môi trường, chống ngập úng, thích ứng biến đổi khí hậu mang tầm khu vực hiệu quả, phù hợp hơn. 

Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu đe dọa. Đồng bằng sông Cửu Long với danh hiệu vựa lúa của cả nước càng trở nên quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia. Tiềm năng to lớn về nông nghiệp và thủy sản khi đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực, 65% lượng thủy sản và 70% cây ăn trái của cả nước. 

Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hút sự quan tâm của Nhà nước, các nhà khoa học và cộng đồng dân cư trăn trở để bảo tồn và phát triển vùng đồng bằng này trong bối cảnh đô thị hóa ngày một rộng khắp, cũng như ảnh hưởng của với biến đổi khí hậu diễn ra sớm và ngày một khắc nghiệt. Nên việc chống ngập ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt chống ngập cho các đô thị làm sao vừa đảm bảo được cơ sở hạ tầng, lại ổn định được sản xuất, nhưng đồng thời đảm bảo tính tự nhiên của môi trường là điều hết sức cần quan tâm trong phối hợp thực hiện phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới./. 

   

Có thể bạn quan tâm