Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình 135 ở khu vực miền núi phía Bắc

Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình 135 ở khu vực miền núi phía Bắc
Sáng 1/6/2018, tại Lào Cai, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo: "Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chương trình 135 và báo cáo tình hình triển khai dự án Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc tại các tỉnh miền núi phía Bắc". Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN.
Sáng 1/6/2018, tại Lào Cai, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo: "Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chương trình 135 và báo cáo tình hình triển khai dự án Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc tại các tỉnh miền núi phía Bắc". Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN.

Đối với tỉnh Hòa Bình, sự tham gia tích cực của nhân dân trong thực hiện chương trình là một trong những yếu tố then chốt góp phần khiến Chương trình 135 phát huy hiệu quả. Theo đó, ngay từ khi xây dựng kết hoạch ở cơ sở, Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo hướng dẫn cơ sở nâng cao công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của nhà nước, sự tham gia đóng góp của người dân vào thực hiện chương trình bằng nhiều hình thức như tự nguyện giải phóng mặt bằng, hiến đất, cây cối hoa màu, đóng góp sức lao động. Nhờ đó nhân dân đã đồng tình ủng hộ, giá trị từ nhân dân đóng góp ước đạt 8% giá trị kinh phí Trung ương giao. Người dân được tham gia hầu hết quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tất cả các công trình do cấp xã làm chủ đầu tư và đóng góp tối thiểu 10% giá trị phần duy tu bảo dưỡng công trình hằng năm.

Tương tự, tại Lào Cai, theo ông Nông Ngọc - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình 135 đảm bảo dân chủ công khai, có sự tham gia của người dân từ việc lập kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, triển khai thực hiện, tổ chức giám sát đến nghiệm thu bàn giao đưa dự án vào khai thác sử dụng.

Tại tỉnh Quảng Ninh, nhờ vận dụng cơ chế chính sách phù hợp, sử dụng các nguồn lực bố trí đúng mục tiêu đảm bảo tiến độ chất lượng tiết kiệm, chương trình đã phát huy được hiệu quả đầu tư hỗ trợ. Đến nay, tại địa phương, 100% xã có đường ô tô cứng hóa đến trung tâm xã, trên 80% đường liên thôn được cứng hóa, 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế, 95% số dân ở các xã đặc biệt khó khăn được sử dụng điện lưới quốc gia...Dù mới đi được nửa chặng đường thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 nhưng Quảng Ninh đã có 7 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và hoàn thành Chương trình 135; 5 xã và 45 thôn đăng ký hoàn thành chương trình này vào năm 2018; 12 xã, 9 thôn đăng ký hoàn thành chương trình vào năm 2019. Như vậy, đến hết năm 2019 tỉnh Quảng Ninh sẽ cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn.

Đánh giá về tác động giảm nghèo của chương trình tại khu vực miền núi phía Bắc, các đại biểu thống nhất qua hơn 2 năm thực hiện chương trình đã góp phần không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của các thôn bản đặc biệt khó khăn nói riêng và từng địa phương nói chung. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của khu vực chỉ còn 13,12% (giảm 5,36% so với cuối năm 2015), tỷ lệ hộ cận nghèo là 9,24% (tăng 0,42% so với cuối năm 2015). Các tỉnh có tỷ lệ nghèo giảm nhanh là Lào Cai 12,49%, Lai Châu 10,57%, Yên Bái 10,23%, Hà Giang 9,47%...

Tại hội thảo, ông Võ Văn Bảy - Chánh văn phòng điều phối Chương trình 135 của Ủy ban Dân tộc đề nghị các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung của chương trình nhất là đối với hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất; đồng thời, kiên quyết chấm dứt thực hiện các nội dung này trong những năm tiếp theo đối với các đơn vị thi công, đơn vị cung cấp triển khai chậm trễ, kéo dài hoặc không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, đối với các tiểu dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, các địa phương cần tăng cường phân cấp xã làm chủ đầu tư, đảm bảo sự chủ động của cơ sở trong lập kế hoạch và tổ chức thực hiện dự án, từng bước đẩy mạnh việc giao cho các tổ đội hợp tác xã trên địa bàn trực tiếp thi công các công trình hạ tầng trên địa bàn...
Hương Thu

Có thể bạn quan tâm