Phát triển kinh tế Đông Nam bộ:

Cần cơ chế đột phá để thúc đẩy liên kết vùng bền vững

Cần cơ chế đột phá để thúc đẩy liên kết vùng bền vững
Đây là vấn đề được các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế đặt ra tại Diễn đàn Kinh tế Đông Nam bộ lần thứ II với chủ đề: “Tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở liên kết vùng" do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 26/9/2017.
  
Nhiều lợi thế  
Đề cập đến phát triển kinh tế ở vùng Đông Nam bộ, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Nếu so sánh với các vùng kinh tế khác trong cả nước như miền Trung, Tây nguyên hay Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam bộ có lợi thế hơn hẳn.

Cái mà các vùng kinh tế khác thiếu thì ở khu vực này lại khá mạnh. Cụ thể, có đầu tàu rất mạnh là Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang là vùng kinh tế lớn của cả nước. Có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đóng trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh và bước đầu đã có thể chế là có hội đồng của vùng kinh tế trọng điểm.  
Ảnh minh họa: An Hiếu/TTXVN
Ảnh minh họa: An Hiếu/TTXVN
Hiện vùng Đông Nam bộ chiếm khoảng 40% GDP, đóng góp gần 60% thu ngân sách quốc gia, GDP tính theo đầu người cao gần gấp 2,5 lần mức bình quân cả nước; có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng luôn cao hơn khoảng 1,4 lần đến 1,6 lần tốc độ tăng trưởng bình quân chung cả nước.
 
Theo ông Cao Đức Phát, Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, những năm qua, các địa phương vùng Đông Nam bộ phát triển ngày càng năng động, đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao, bền vững ở nhiều lĩnh vực như điện tử, phần mềm, các dịch vụ thương mại, logistics, tài chính, viễn thông, du lịch. Trong vùng đã phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn như: khai thác và chế biến dầu khí, luyện cán thép, năng lượng điện, công nghệ tin học, hóa chất cơ bản, phân bón và vật liệu… làm nền tảng công nghiệp hóa của vùng và cả nước.
  
Nhấn mạnh đến nhiều lợi thể của vùng Đông Nam bộ, theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tuy chưa xác lập đẳng cấp phát triển cao vượt bậc so với vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, nhưng trình độ phát triển kinh tế của vùng Đông Nam bộ nhìn chung cao hơn cả nước ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực như công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch, viễn thông, tài chính, ngân hàng; nghiên cứu, ứng dụng và triển khai, đào tạo nhân lực.

Đông Nam bộ là trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước. Một mạng lưới dày đặc các khu công nghiệp, tập trung tập trung ở "tứ giác" Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vùng Tàu, đang mở rộng ra Long An, Tiền Giang. Đây là vùng kinh tế có hệ thống cảng tốt và có hậu phương công nghiệp tốt.
  
Bên cạnh đó, vùng kinh tế Đông Nam bộ là vùng có hệ thống kết cấu hạ tầng khá đồng bộ, tập trung các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế; nguồn nhân lực dồi dào và có kỹ năng, do đó là địa bàn có môi trường đầu tư hấp dẫn. Trong vùng đã hình thành mạng lưới đô thị vệ tinh, trong một không gian mở thông thoáng, liên kết với nhau thông qua các tuyến trục và vành đai đang được xây dựng.
  
Hạn chế trong liên kết
  
Đánh giá về thực trạng liên kết vùng hiện nay, ông Vũ Tiến Lộc,  chia sẻ, trong những ngày qua một số hội nghị kinh tế từ Bắc, Trung, Nam, đều có chung từ khóa là “liên kết”. Bức tranh chung của liên kết vùng kinh tế là tính liên kết còn khá yếu. Đặc trưng chung là mạnh ai nấy làm, chưa hình thành được kết nối về chiến lược, quy hoạch, cơ sở hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực. Và có lẽ, cái trọng tâm nhất chính là thiếu kết nối của các doanh nghiệp.
  
Theo ông Trần Đình Thiên, tuy các tỉnh Đông Nam bộ phát triển vượt lên so với cả nước, song vẫn còn thấp xa khả năng và mong muốn; vẫn là phát triển từng tỉnh, tầm nhìn "tỉnh ta" vẫn chi phối; chưa rõ tư duy phát triển vùng, không có cơ chế, chính sách phát triển vùng (hạ tầng, thể chế, cơ chế phát triển). Thiếu hệ thống liên kết phát triển Vùng được coi là một trong những cản trở phát triển lớn nhất hiện nay đối với vùng Đông Nam bộ.
  
Nhấn mạnh vấn đề tiếp cận chiến lược, tư duy vùng còn chồng chéo, giao thoa các vùng, ông Trần Đình Thiên cho rằng, sự quan tâm đến phát triển vùng chưa định hình thật rõ mục tiêu vì đầu tàu, dựa vào đầu tàu (hạt nhân vùng), chưa có chính sách, cơ chế thực sự hỗ trợ thúc đẩy vai trò "hạt nhân, tiên phong, dẫn dắt" của Thành phố Hồ Chí Minh. Tư duy phát triển quốc gia và phát triển vùng vẫn bị chi phối bởi tư duy "dàn hàng ngang", "chia đều". Vùng Đông Nam bộ cũng có cơ chế, chính sách vận hành giống như các vùng khác trong cả nước.
  
Chỉ ra một số hạn chế trong phát triển của vùng Đông Nam bộ, ông Cao Đức Phát, nhấn mạnh sự phát triển của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Cụ thể, vùng Đông Nam bộ về cơ bản vẫn chưa chuyển đổi thành công sang mô hình tăng trưởng với giá trị gia tăng cao, quản trị hiện đại, trong đó hàm lượng công nghệ và tri thức đóng vai trò quyết định. Bên cạnh đó, kết cầu hạ tầng của vùng chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Giao thông đuờng bộ, đường thủy, cảng biển chưa thực sự kết nối tốt, chưa hiện đại, chi phí cao; chưa hình thành hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt.
  
Cùng với đó, chất lượng đô thị còn thấp, các khu công nghiệp chồng chéo về chức năng; các trung tâm đô thị trong vùng kém kết nối cả về giao thông, chức năng kinh tế và dịch vụ xã hội. Mặt khác, giữa các tỉnh, thành phố còn thiếu sự phối hợp, thậm chí cạnh tranh nhau về chính sách, hệ thống dịch vụ công... làm chậm hình thành một không gian kinh tế vùng thống nhất.
  
Hình thành cơ chế vùng hiệu quả  
Nhấn mạnh cần hình thành không gian kinh tế vùng thống nhất hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu kinh tế cấp vùng, ông Cao Đức Phát cho rằng cần đề xuất các cơ chế, chính sách tăng cường liên kết vùng nhằm tạo ra một không gian kinh tế thống nhất toàn vùng Đông Nam bộ dựa trên cơ sở phối hợp về quy hoạch, phát triển hạ tầng, chính sách, đầu tư, liên kết các khu công nghiệp, dịch vụ,... từng bước hình thành các tổ chức dịch vụ công cấp vùng.
  
Theo ông Cao Đức Phát, cần hình thành thể chế điều phối vùng hiệu quả, trong đó xem xét nên giao cho Thành phố Hồ Chí Minh là chủ tịch thường trực Hội đồng vùng và mời Thủ tướng Chính phủ là trưởng Ban Chỉ đạo. Làm rõ những nội dung cấp vùng chỉ thực thiện với Nghị quyết của Hội đồng vùng (hạ tầng, cảng, khu kinh tế, một số dịch vụ công, ...); thống nhất về chính sách, đầu tư, liên kết và phân chức năng các khu công nghiệp; hình thành qũy đầu tư, qũy xúc tiến đầu tư vùng.
  
Cùng với đó, theo các chuyên gia kinh tế, cần nâng cao vai trò doanh nghiệp trong đầu tư phát triển hạ tầng và công nghiệp, dịch vụ. Trên cơ sở Nghị quyết Trung ương IV và V khóa XII vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng cần hình thành cơ chế đột phá thu hút đầu tư và quản trị hiện đại của tư nhân, nước ngoài vào hạ tầng nhất là giao thông, các khu công nghiệp... và công nghiệp, dịch vụ.
  
Để thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng trong phát triển kinh tế tại Đông Nam bộ, ông Trần Đình Thiên đưa ra đề xuất: Quy hoạch lại vùng trên một tầm nhìn mới. Trong đó, cần xác định lại cấu trúc vùng của khu vực Đông Nam bộ - Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Nên quy gọn để tránh phức tạp về cơ chế, chính sách. Đề cao tư duy phát triển vùng, đặt (quy hoạch, chiến lược) phát triển từng tỉnh trong tư duy phát triển vùng, trên nền tảng và thống nhất với quy hoạch và chiến lược phát triển toàn vùng, gắn với vai trò "đầu tàu", "hạt nhân phát triển" vùng của Thành phố Hồ Chí Minh.
  
Với mật độ đô thị cao, mật độ dân cư lớn, vùng Đông Nam bộ cần chủ động đề xuất Trung ương các cơ chế, chính sách phát triển chuỗi đô thị vùng với đột phá về tổ chức chính quyền đô thị hiện đại; các chính sách, tài chính, đầu tư có tính tự chủ cao hơn; tăng cường vai trò tư nhân trong cung ứng dịch vụ công./.
TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Có thể bạn quan tâm