Cẩm Bình làm theo lời Bác, trở thành điểm sáng giáo dục của Hà Tĩnh

Cẩm Bình làm theo lời Bác, trở thành điểm sáng giáo dục của Hà Tĩnh

Hơn 50 năm trôi qua kể từ ngày nhận được bức chân dung cùng lời dạy của Bác Hồ, cán bộ và nhân dân xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) luôn nỗ lực làm tốt công tác khuyến học, đưa địa phương trở thành điểm sáng của Hà Tĩnh về giáo dục.

Ngọn cờ đầu trong xóa nạn mù chữ

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực hiện lời phát động của Bác Hồ về phong trào bình dân học vụ, người dân xã Cẩm Bình xung kích đi đầu trên mọi mặt trận, đặc biệt là “diệt giặc dốt”. Thời điểm ấy, phong trào thi đua diệt giặc dốt với nhiều hình thức phong phú đã lôi cuốn người dân ở mọi lứa tuổi, tầng lớp tham gia. Với khẩu hiệu “sản xuất là khóa, văn hóa là chìa”, cùng với thi đua sản xuất để diệt giặc đói, khắp làng trên xóm dưới ở Cẩm Bình đều sôi nổi xóa nạn mù chữ.

Cẩm Bình làm theo lời Bác, trở thành điểm sáng giáo dục của Hà Tĩnh ảnh 1 Học sinh trường Tiểu học Cẩm Bình tham quan phòng truyền thống của nhà trường. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Nhắc lại thời điểm đó, cụ Nguyễn Quang Huy (thôn Tân An, xã Cẩm Bình) năm nay 92 tuổi vẫn còn nhớ như in không khí sôi nổi đi tìm con chữ của người dân Cẩm Bình. “Năm 1946, lúc đó tôi chỉ hơn 15 tuổi, với tinh thần toàn dân lúc bấy giờ là người biết chữ đi dạy cho người chưa biết chữ, tôi vừa là giáo viên dạy học cho người kém hơn mình lại vừa tranh thủ những lúc rảnh đi học thêm ở các thầy từ Thạch Hà, Đức Thọ vào dạy học. Thời điểm ấy, toàn xã Cẩm Bình có hơn 40 lớp học xóa mù chữ, dạy tại các trụ sở thôn hoặc dạy ở nhà dân. Trang thiết bị dạy học được tận dụng từ chính những vật dụng trong nhà như nong, nia, bàn ghế… Nhiều gia đình tự bỏ tiền ra nuôi thầy, nhiều ông giáo lặn lội từ Thạch Hà, Đức Thọ vào dạy học. Người dân ban ngày lao động sản xuất, ban đêm đốt đuốc đi học, không khí vô cùng sôi nổi”, cụ Huy nhớ lại.

Năm 1948, xã Cẩm Bình thành lập Trường cấp I Cẩm Bình. Với khẩu hiệu “Sản xuất là khóa, văn hóa là chìa”, Cẩm Bình tiếp tục phong trào bổ túc văn hóa trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1959, Cẩm Bình chính thức phát động phong trào bổ túc văn hóa và bắt tay vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) phổ cập cấp I trong nhân dân. Ngày 19/5/1966, Cẩm Bình được công nhận là xã đầu tiên trong cả nước thực hiện phổ cập cấp I cho toàn dân trong độ tuổi và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Năm 1969, trước lúc đi xa, Bác Hồ đã gửi tặng xã Cẩm Bình bức chân dung có ghi bút tích của Người: “Thân ái gửi lời khen đồng bào và cán bộ xã Cẩm Bình đã tổ chức tốt việc giáo dục văn hóa”. Năm 1978, Tổ chức UNESCO tặng Giải thưởng quốc tế Krup-xcai-a cho xã Cẩm Bình - Lá cờ đầu về thành tích xóa nạn mù chữ ở Việt Nam.

Giữ lửa “ngọn đèn làng học”

Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ, hơn 50 năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Cẩm Bình đã luôn làm tốt công tác giáo dục, trở thành lá cờ đầu của Hà Tĩnh và cả nước. Cẩm Bình là xã duy nhất trong cả nước đạt 4 danh hiệu Anh hùng, trong đó có 2 danh hiệu Anh hùng về giáo dục.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình Nguyễn Thiên Toàn cho biết, giáo dục ở Cẩm Bình phát triển đảm bảo cân đối 3 mặt: Quy mô - chất lượng - hiệu quả, tỷ lệ lên lớp và tốt nghiệp luôn luôn đạt cao, phổ cập vững chắc đúng độ tuổi, tỷ lệ học sinh giỏi, giáo viên giỏi luôn nằm trong tốp đầu của huyện Cẩm Xuyên nói riêng và Hà Tĩnh nói chung. Các phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực và cuộc vận động học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh luôn được tập thể cán bộ, giáo viên trong xã thực hiện tốt.

Cẩm Bình làm theo lời Bác, trở thành điểm sáng giáo dục của Hà Tĩnh ảnh 2Tuy làm nghề nông, nhưng vợ chồng ông Nguyễn Văn Ngợi (thôn Bình Luật, xã Cẩm Bình) đã nuôi dạy 4 người con trưởng thành, học xong đại học và có công việc ổn định. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Hiện nay, xã Cẩm Bình có 5 trường học đóng trên địa bàn, gồm: Trường Mầm non tư thục, trường Mầm non công lập, trường Tiểu học, trường Trung học Cơ sở, trường Trung học Phổ thông. Trừ trường Mầm non tư thục, các trường còn lại đều đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2 và luôn nằm tốp dẫn đầu của giáo dục Hà Tĩnh.

Chủ tịch Hội Khuyến học xã Cẩm Bình Nguyễn Văn Bộ chia sẻ, phong trào khuyến học ở xã phát triển mạnh từ xưa đến nay, từ mỗi gia đình, dòng họ, với sự quan tâm sâu sát của địa phương. Toàn xã có 8 thôn, xóm đều có quỹ khuyến học, 38 dòng họ đạt Dòng họ học tập, trong đó nhiều dòng họ làm tốt công tác khuyến học như dòng họ Nguyễn Viết chi Ất, dòng họ Trác Văn thôn Minh Quang...

Là một địa phương thuần nông, từ cái nôi đất học Cẩm Bình, đã có 3 giáo sư, 6 phó giáo sư, 28 tiến sĩ, cùng nhiều thạc sĩ, cử nhân trưởng thành. Tại thôn Bình Luật, hiện nay hầu hết các gia đình đều có con học xong Đại học, có công việc ổn định tại các địa phương trong tỉnh và ở các thành phố lớn trong nước. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Ngợi, 2 vợ chồng đều làm nông, kinh tế khó khăn nhưng vẫn mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư cho con học. Vợ chồng ông xác định, đầu tư cho học tập là đầu tư cho tương lai của các con, vì vậy bố mẹ dù vất vả cũng không bao giờ để con thất học. Khoản nợ vay ngân hàng để đầu tư cho con ăn học gia đình ông mới trả xong cách đây 2 năm. Đến nay, 4 người con của gia đình đều có việc làm ổn định.

Cẩm Bình hôm nay đã thực sự đổi thay, là 1 trong 7 xã về đích nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh và đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2022. Với bề dày truyền thống, sự năng động của cán bộ và nhân dân, sự nghiệp giáo dục cũng như mọi mặt đời sống khác trên quê hương Cẩm Bình sẽ tiếp tục tỏa sáng, làm rạng danh vùng quê hiếu học trong thời kỳ đổi mới.

Hoàng Ngà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm