Để đáp ứng yêu cầu học tập ngày càng cao của học sinh, xã hội hóa giáo dục được xem là một trong những giải pháp quan trọng. Trong khi một số trường học để xảy ra tình trạng “lạm thu, chi”, biến tướng dưới hình thức vận động thì tại Nghệ An có nhiều mô hình xã hội hóa giáo dục hiệu quả, được huy động từ nguồn lực của các ngành các cấp, các tổ chức kinh tế - xã hội và cá nhân để phát triển giáo dục và đào tạo.
Huy động nhiều nguồn hỗ trợ
Là trường học có nhiều khó khăn từ khâu tuyển sinh chất lượng đầu vào, gần 100 học sinh là con em dân tộc thiểu số, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Cảnh Chân, huyện Thanh Chương khá vất vả trong việc vận động xã hội hóa để đóng góp mua sắm cơ sở vật chất trong trường học. Mặc dù vậy, trong năm học này, nhà trường đã hoàn tất việc trang bị đủ ti vi và bảng kéo cho 24 lớp, giúp cho việc tổ chức dạy và học hiệu quả.
Thầy giáo Nguyễn Văn Thuần, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Cảnh Chân cho biết: Nhà trường xác định, để xã hội hóa nhận được sự ủng hộ của phụ huynh học sinh thì phải công khai, minh bạch và đúng địa chỉ, tránh tình trạng lạm thu và phải thông qua trước cuộc họp phụ huynh để phụ huynh hiểu và thấy được hiệu quả thiết thực của việc xã hội hóa. Về phía các giáo viên, họ cũng là người tiên phong trong thực hiện, nhiều giáo viên trích một phần lương để cùng chung tay với phụ huynh mua sắm trang thiết bị cho lớp học. Ngoài ra, trường còn huy động các nguồn từ cựu học sinh của trường, triển khai nhiều chương trình để huy động quỹ ủng hộ những học sinh nghèo, khó khăn.
Trước thềm năm học mới, Trường Trung học Phổ thông Thanh Chương 3 cũng đã hoàn thành việc tu sửa cơ sở vật chất trong từng lớp học, sắm đủ ti vi, bảng trượt và đưa vào sử dụng phòng Tiếng Anh hiện đại để giúp học sinh học tập hiệu quả. Toàn bộ công trình ý nghĩa với tổng giá trị gần 6 tỷ đồng là số tiền mà nhà trường huy động được từ nguồn hỗ trợ của các cựu học sinh nhà trường và các nhà hảo tâm.
Ngoài giúp đỡ về cơ sở vật chất, nhà trường còn kết nối với một số doanh nghiệp quê ở Thanh Chương tạo điều kiện cho những học sinh nghèo của trường vay vốn khi các em đậu đại học. Từ 2 năm trở lại đây, những bữa cơm yêu thương do Công đoàn nhà trường tổ chức với hàng nghìn suất ăn cũng được triển khai từ đóng góp của các nhà hảo tâm và các tổ chức, doanh nghiệp. Hiện, nhà trường có Ban liên lạc cựu học sinh ở nhiều địa phương trong cả nước để kết nối với các học sinh, con em thành đạt và đây là một trong những cơ sở để nhà trường kêu gọi hỗ trợ, giúp đỡ với mục đích giúp cho sự học ở huyện nhà ngày một phát triển.
Ngoài huy động các nguồn lực từ tổ chức, cá nhân đóng góp vào đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học, từ nguồn quỹ này nhiều trường học còn đầu tư vào xây dựng các bể bơi, sân bóng nhân tạo phục vụ cho các em rèn luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe.
Nam Đàn là địa phương đầu tiên trên toàn tỉnh Nghệ An đã “phủ” sân bóng nhân tạo ở 23/23 trường Tiểu học trên toàn huyện. Hiện, hai sân bóng khác cũng đang chuẩn bị được xây dựng tại Trường Trung học Cơ sở Đặng Chánh Kỷ và Trường Trung học Cơ sở Anh Xuân. Kinh phí để xây dựng 23 sân bóng này khoảng 6 tỷ đồng và hoàn toàn đều được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, do Quỹ Búp Sen Xanh (những người con Nam Đàn xa quê sáng lập) trao tặng.
Việc Phòng Giáo dục huyện Nam Đàn kết nối với Quỹ Búp Sen Xanh (do những người con Nam Đàn xa quê sáng lập) ủng hộ xây dựng sân bóng nhân tạo nhằm giúp học sinh học thể dục và triển khai các hoạt động văn hóa, thể thao khác. Ngoài ra, Quỹ Búp Sen Xanh cũng đã hỗ trợ tất cả các Trường Trung học Cơ sở trên địa bàn huyện phần mềm học liệu sổ dạy học Tiếng Anh, góp phần nâng cao chất lượng học Tiếng Anh ở các nhà trường.
Phát huy hiệu quả
Ông Lê Trung Sơn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đàn cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông mới đặt mục tiêu giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản khác. Khi đã được hỗ trợ, Phòng cũng yêu cầu các trường cần phát huy hiệu quả của công trình, giúp học sinh có không gian, cơ hội chơi bóng đá ngay tại trường học. Quá quá trình thực hiện, mô hình đã phát huy hiệu quả như mong đợi.
Tại Trường Trung học Phổ thông Nghi Lộc 2, huyện Nghi Lộc là ngôi trường công lập đầu tiên của tỉnh tiên phong đưa bể bơi vào nhà trường. Bể bơi rộng 800m2 được đầu tư quy mô là công trình được thực hiện hoàn toàn bằng hình thức xã hội hóa do cựu học sinh nhà trường chung tay đóng góp.
Trong những năm trở lại đây, Nghệ An đã có hàng chục trường học và rất nhiều công trình ý nghĩa ở các nhà trường được thực hiện từ nguồn xã hội hóa như mua sắm trang thiết bị cơ sở vật chất, xây dựng bể bơi cho học sinh hoặc trao học bổng cho học sinh nghèo. Điều đáng nói, việc xã hội hóa này không phải vận động từ phụ huynh mà từ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân của những người con xa quê có tấm lòng quan tâm tới giáo dục.
Nói về kinh nghiệm để thực hiện xã hội hóa hiệu quả, đại diện nhiều trường học cho rằng, cần nhất đó là sự tâm huyết, trách nhiệm của cả người huy động lẫn người tham gia và xã hội hóa phải thực chất, phát huy được ý nghĩa của món quà được trao tặng. Thực tế cũng cho thấy, những công trình ý nghĩa này cũng đã giúp cho các nhà trường, phụ huynh, học sinh có thêm động lực cố gắng, nâng cao chất lượng dạy học ở các nhà trường và tăng cường tính kết nối giữa các thế hệ học sinh và phát huy được truyền thống hiếu học của người dân địa phương.
Theo ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, để xã hội hóa giáo dục và đào tạo ở tỉnh phát triển hiệu quả hơn nữa, ngành chú trọng nội dung và cách thức tuyên truyền, vận động, làm cho các cấp ngành, người dân hiểu rõ vai trò của giáo dục là quốc sách hàng đầu trong thời kỳ kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế. Song song đó, cần phối hợp đồng bộ giữa cấp chính quyền, các ngành có liên quan, sự ủng hộ của xã hội, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Điều đặc biệt khi thực hiện xã hội hóa giáo dục cần bảo đảm tính công khai, dân chủ, tự nguyện của mỗi cá nhân.
Bích Huệ