Cà phê vào vụ thu hoạch. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Cụ thể, các giống cà phê mới được các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đưa vào trồng hoặc ghép cải tạo là TR4, TR9, TR11, TR12, TR13…. Đặc biệt, các nông hộ, doanh nghiệp đã đưa vào trồng các giống cà phê chín muộn như TR6, TR14, TR15. Các giống cà phê này có thời điểm chín từ tháng 1 đến tháng 2 vào khô năm sau nên rất thuận lợi cho việc thu hái, chế biến sản phẩm , giảm áp lực công trong mùa thu hoạch, giảm được một đợt tưới nước so với các giống chín sớm, chín trung bình. Các giống cà phê mới đều cho năng suất cao (bình quân 4,5 tấn cà phê nhân/ha), khối lượng 100 nhân đạt trên 19 g, tăng 25,4% so với các giống đại trà, đảm bảo tốt yêu cầu xuất khẩu, kháng cao với bệnh gỉ sắt… Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã xây dựng các vườn ươm cây giống tại các địa phương nhằm cung ứng cây cà phê giống đảm bảo chất lượng cho các nông hộ, doanh nghiệp trồng tái canh cà phê. Hiệp Hội Cà phê Ca cao Việt Nam cũng đã hỗ trợ cho các tỉnh hàng chục ngàn kg hạt giống cà phê lai và hàng trăm ngàn cây cà phê giống mới cho các nông hộ trồng tái canh cà phê. Ngay tại Đắk Lắk, từ năm 2012 đến nay, Hiệp Hội Cà phê Ca cao Việt Nam đã hỗ trợ cho các nông hộ trên 8.000 kg hạt giống cà phê lai TRS1 và trên 110.400 cây giống cà phê vối với các giống mới. Thông qua Chương trình Hợp tác Công tư (PPP), Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã hỗ trợ 50% về chi phí cây giống cho các nông hộ trên địa bàn có nhu cầu trồng tái canh cà phê. Riêng năm 2017, Công ty đã hỗ trợ 1.500 đồng/cây giống cà phê. Chỉ riêng từ năm 2011 đến mùa mưa năm 2017, thông qua Viện Khoa học Kỹ thuật Nông- lâm nghiệp Tây Nguyên, các đơn vị sản xuất giống khác, Công ty đã hỗ trợ cho các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hơn 10 triệu cây giống cà phê vối với các giống mới để trồng tái canh. Viện Khoa học Kỹ thuật Nông- lâm nghiệp Tây Nguyên cũng như các đơn vị chức năng của các tỉnh Tây Nguyên đã hướng dẫn các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê thực hiện chặt chẽ quy trình kỹ thuật trồng tái canh, kỹ thuật ghép chồi, chăm sóc, tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại, trồng xen các loại cây che bóng, chắn gió…để góp phần phát triển bền vững cây cà phê trong điều kiện biến đổi khí hậu. Nhờ trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên hàng chục ngàn ha cà phê được trồng bằng các giống mới sau 3 năm hết chu kỳ kiến thiết cơ bản đã bắt đầu phát huy tiềm năng về năng suất (bình quân 4 tấn cà phê nhân/ha), chất lượng cà phê nhân đảm bảo yêu cầu xuất khẩu. Cũng theo Cục Trồng trọt, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã trồng tái canh được trên 98.210 ha cà phê, đạt 81,8% so với kế hoạch đến năm 2020; trong đó, tỉnh Lâm Đồng đã trồng tái canh và ghép cải tạo được trên 51.971 ha, vượt kế hoạch 14%, tỉnh Đắk Lắk trồng tái canh được 22.850 ha, đạt 77,2%, thấp nhất là tỉnh Đắk Nông trồng tái canh cà phê mới đạt 42,2%.
Quang Huy