Người dân huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) chăm sóc cây cà phê. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN |
Các đơn vị chức năng của các tỉnh cùng với Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên đã hướng dẫn các nông hộ tưới nước tiết kiệm, với lượng nước từ 400 - 600 lít nước/gốc/lần tưới để không những đảm bảo yêu cầu sinh lý cho cây cà phê phát triển mà còn giảm được chi phí đầu tư trong khâu tưới nước, tiết kiệm tài nguyên nguồn nước. Đặc biệt, mùa khô là mùa khang hiếm nguồn nước, do vậy, nhiều nông hộ trồng cà phê ở Đắk Lắk đã chủ động làm hồ “nổi trữ nước” khá đơn giản mà hiệu quả để chủ động có thêm nguồn nước chống hạn cho cây cà phê. Cụ thể, hàng trăm nông hộ sản xuất cà phê ở xã vùng sâu Ea Khăl, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) ngay từ đầu mùa mưa đã tìm chọn mặt bằng gần vườn cà phê, sau đó thuê máy đào ao với chiều dài, chiều rộng, độ nông, sâu tùy vào diện tích vườn cây để có lượng nước chứa thích hợp, kế đến là sử dụng tấm bạt bằng nhựa PE có độ bền cao lót hết từ đáy đến thân, miệng ao. Trên bờ ao, các nông hộ còn xây một hàng gạch để chèn tránh nước mưa gây xói lở bờ.Với cách làm này, các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở xã Ea Khăl không còn sợ thiếu nước chống hạn cho cà phê như các năm trước. Gia đình anh Vũ Văn Quang, ở thôn 8, xã Ea Khăl có 2,5 ha cà phê chia sẻ, trước đây, cứ đến tầm tháng 4, tháng 5, gia đình phải đầu tư hàng chục triệu đồng để khoan, vét giếng… tìm nguồn nước chống hạn cho cây cà phê. Thế nhưng, từ niên vụ 2017 đến nay, gia đình đã chọn làm một ao nổi chứa nước, với chiều dài 22 mét, chiều rộng 28 mét, sâu 5 mét, lót hồ bằng 1.000 mét bạt nhựa PE để chưa hơn 1.800 mét khối nước để cùng với giếng nước hiện có chủ động về nguồn nước tưới cho toàn bộ diện tích cà phê trong mùa khô. Các đơn vị chức năng cũng đã hướng dẫn các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê khi tưới nước cần kết hợp với bón phân và chọn những chủng loại phân bón tan nhanh có bổ sung các thành phần trung, vi lượng như lưu huỳnh, magiê, canxi, kẽm, sắt, đồng… Đồng thời, khuyến cáo các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên sử dụng các loại phân bón chuyên dùng bón cho cây cà phê trong mùa khô như NPK 20-5-6+TE, NPK 16-16-8-13S, với lượng bón từ 200 - 300 kg/ha/lần (mùa khô có thể bón từ 2 đến 3 lần) giúp cho cây tăng trưởng tốt, đậu quả tập trung, hạn chế rụng quả non, năng suất cao, chất lượng cà phê tốt. Các đơn vị chức năng cũng hướng dẫn các nông hộ, doanh nghiệp sử dụng các loại kéo, cưa sắc để cắt tỉa ngọt các cành già, còi cọc, sâu bệnh, cành vô hiệu… nhằm tạo bộ tán cân đối, hợp lý tập trung dinh dưỡng nuôi quả cho năng suất cao, đồng thời, thường xuyên kiểm tra vườn cây, phun thuốc đúng định kỳ để phòng trừ sâu bệnh hại, nhất là rệp sáp, rệp vẩy, bọ xít trong mùa khô…. Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích cà phê trên 582.149 ha, phấn đấu đạt sản lượng trong niên vụ 2018-2019 từ 1,3 triệu tấn cà phê nhân trở lên; trong đó, Đắk Lắk là địa phương có diện tích, sản lượng cà phê nhiều nhất với trên 201.000 ha và phấn đấu đạt 450.000 tấn cà phê nhân.
Quang Huy