Các nhà nghiên cứu tại Đại học Queensland, Australia đã phát triển mô hình có khả năng dự đoán liệu trẻ sơ sinh có nguy cơ bị béo ở độ tuổi 8-9 tuổi hay không. Thông tin trên do Đại học Queensland công bố trên Tạp chí Paediatrics and Child Health ngày 6/4.
Theo đó, dựa trên các yếu tố nguy cơ được thu thập trong mỗi lần khám định kỳ trong thời gian 12 tháng đầu đời của trẻ sơ sinh, các nhà khoa học đã phát triển mô hình i-PATHWAY. Theo ông Oliver Canfell, thành viên nhóm nghiên cứu và chuyên gia dinh dưỡng của Trung tâm Nghiên cứu Dịch vụ Y tế thuộc Đại học Queensland, các yếu tố nguy cơ gồm sự thay đổi cân nặng của trẻ trong năm đầu tiên, chiều cao và cân nặng trước khi mang thai của mẹ, chiều cao và cân nặng của bố, cách ngủ của trẻ trong năm đầu tiên, sinh non, nếu bà mẹ hút thuốc khi mang thai và nếu trẻ sơ sinh là bé gái.
Ông Canfell cho biết mô hình này có thể tính toán nguy cơ béo phì ở trẻ em với mức độ chính xác là 74,6%.
Theo các nhà nghiên cứu, gần 25% trẻ em Australia có cân nặng "vượt chuẩn". Phòng ngừa bệnh béo phì đạt hiệu quả nhất trong vòng 1.000 ngày đầu đời và mô hình i-PATHWAY có thể được sử dụng trong giai đoạn này để ngăn chặn nguy cơ trẻ mắc bệnh này.
Theo ông Canfell, việc xác định trẻ sơ sinh có nguy cơ cao sẽ giúp các bác sĩ và gia đình chủ động có biện pháp phòng ngừa. Ông lý giải việc lựa chọn độ tuổi 8 hoặc 9 tuổi là do trẻ em càng lớn bị béo phì thì càng có nguy cơ sống chung với căn bệnh này khi trưởng thành. Do vậy, mô hình này là nhằm giúp ngăn chặn nguy cơ bị béo phì về lâu dài.
Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu của gần 2.000 trẻ em từ sơ sinh đến 9 tuổi trong dự án Raine Study ở bang Tây Australia, qua đó lấy cơ sở để khẳng định rằng việc dự đoán tình trạng béo phì ở trẻ tại Australia là khả thi. Tuy nhiên, cần tiến hành thêm cuộc thử nghiệm về mô hình này ở một nhóm trẻ khác để khẳng định việc dự đoán này là đúng trước khi mô hình i-PATHWAY được đưa vào sử dụng.
Thanh Hương