Các nhà khoa học Australia mở ra hy vọng về liệu pháp miễn dịch trong điều trị COVID-19

Các nhà khoa học Australia mở ra hy vọng về liệu pháp miễn dịch trong điều trị COVID-19

Các nhà khoa học thuộc một số trung tâm bệnh truyền nhiễm và điều trị kháng thể hàng đầu của Australia cho biết đang tiến gần hơn tới việc tạo ra liệu pháp kháng thể đơn dòng (liệu pháp miễn dịch thụ động) trong điều trị COVID-19.

Các nhà khoa học Australia mở ra hy vọng về liệu pháp miễn dịch trong điều trị COVID-19 ảnh 1 Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sydney, Australia, ngày 20/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong nghiên cứu công bố ra ngày 29/9, các nhà khoa học Australia cho biết các kháng thể đơn dòng (MAB) có thể ngăn chặn virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào các tế bào trong các mô hình tiền lâm sàng. MAB là các protein nhân tạo, được điều chỉnh để hoạt động như kháng thể tự nhiên để phục hồi hoặc tăng cường sự tấn công của hệ miễn dịch đối với một mầm bệnh cụ thể, như trong nghiên cứu là virus SARS-CoV-2.

Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Y khoa Walter và Eliza Hall (WEHI), Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty, Viện Burnet, Viện Kirby, CSL, Affinity Bio và Tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và khoa học Khối thịnh vượng chung ( CSIRO) - cho rằng phát hiện này có thể mở đường cho các thử nghiệm lâm sàng về liệu pháp MAB nhằm ngăn ngừa các trường hợp mắc COVID-19 nghiêm trọng.

Để tìm ra phát hiện trên, các nhà khoa học đã nghiên cứu kháng thể từ những bệnh nhân mắc COVID-19 đã hồi phục, sau đó sàng lọc tìm ra các kháng thể hiệu quả nhất chống lại virus SARS-CoV-2. Hai MAB hàng đầu được kết hợp thành một hỗn hợp kháng thể (cocktail kháng thể).

Phó Giáo sư Wai-Hong Tham của WEHI, đồng chủ trì nghiên cứu cho biết nhóm nghiên cứu đã sàng lọc hàng trăm kháng thể tiềm năng, xác định 12 kháng thể hàng đầu có khả năng ngăn chặn mạnh nhất. Theo bà, việc kết hợp các kháng thể hàng đầu giúp các nhà nghiên cứu kiểm tra hiệu quả của nó trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào. Phó Giáo sư Wai-Hong Tham nêu rõ hỗn hợp kháng thể đã ngăn chặn hiệu quả sự xâm nhập của virus trong các thử nghiệm và giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh trong các mô hình tiền lâm sàng, qua đó ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng.

Các nhà nghiên cứu hy vọng liệu pháp MAB có thể bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, như người già. Không giống như vaccine, phải mất vài tuần để tạo ra kháng thể, các liệu pháp dựa trên kháng thể sẽ bảo vệ con người trước virus ngay lập tức. Do đó, có thể áp dụng liệu pháp này ở những người suy giảm miễn dịch hoặc không thể đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ với vaccine trong tương lai.

Ngọc Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm