Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Các bệnh truyền nhiễm mới của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ, nguy cơ thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10-19 truyền bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho người thân gia đình hoàn toàn như người trưởng thành.
Trước đó, các nhà nghiên cứu thuộc CDC của Hàn Quốc đã phân tích báo cáo về 59.073 trường hợp tiếp xúc của 5.706 bệnh nhân mắc COVID-19 tại nước này trong giai đoạn từ ngày 20/1-27/3 vừa qua. Trong số 10.592 tiếp xúc trong gia đình, 11,8% đã nhiễm COVID-19, và tỷ lệ này trong số tiếp xúc với trẻ em cao hơn số tiếp xúc với người lớn. Trong số 48.481 trường hợp tiếp xúc với người ngoài gia đình, tỷ lệ mắc COVID-19 là 1,9%.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất (18,6%) là tiếp xúc gia đình với trẻ em trong độ tuổi đi học. Tỷ lệ thấp nhất (5,3%) là tiếp xúc với trẻ em trong gia đình ở độ tuổi từ 0-9 trong thời gian các trường học đóng cửa.
Các tác giả nghiên cứu trên nhấn mạnh tỉ lệ lây nhiễm khi tiếp xúc với trẻ em cao hơn tiếp xúc với người lớn.
Trong khi đó, theo Đại học Texas A&M, các nhà nghiên cứu của trường này đang phát triển các loại protein gai giúp ngăn virus SARS-CoV-2 bám vào tế bào của con người, qua đó có thể ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Cấu trúc của virus SARS-CoV-2 được tạo nên từ 20 phân tử protein. Mặc dù virus SARS-CoV-2 sử dụng nhiều loại protein khác nhau để sinh sôi và xâm nhập tế bào, nhưng protein gai là protein quan trọng nhất mà virus sử dụng để gắn vào thụ thể trên bề mặt tế bào vật chủ. Protein gai của virus SARS-CoV-2 có khả năng liên kết hiệu quả hơn với các protein ACE2 trên bề mặt tế bào người, đóng vai trò là cánh cửa để virus xâm nhập tế bào. Đây là nguyên nhân khiến virus có thể lây nhiễm nhanh hơn qua đường mũi họng.
Các nhà nghiên cứu Mỹ đang phát triển các protein gai nhằm xác định các kháng thể có khả năng bám vào protein thụ thể của protein gai, ngăn virus xâm nhập các khu vực quan trọng, từ đó cản trở virus xâm nhập tế bào của con người. Giáo sư Zivko Nikolov tại Khoa Kỹ thuật sinh học và nông nghiệp tại Đại học Texas A&M nhấn mạnh có hàng trăm kháng thể chống virus trong huyết thanh, sử dụng các protein gai tái tổ hợp là cách nhanh nhất để phát hiện chính xác loại nào là cần thiết để chống COVID-19.
Nghiên cứu này dựa trên trường hợp của Kent Brantly, một bác sĩ Mỹ đã hiến tặng huyết tương sau khi khỏi bệnh Ebola để giúp những người khác có cơ hội phục hồi. Các bác sĩ và các nhà khoa học đã xác định được kháng thể trong máu của ông có thể nhận dạng virus Ebola và ngăn chặn virus nhân lên trong cơ thể bệnh nhân.
Các nhà nghiên cứu đang tạo các phiên bản của protein gai của COVID-19, có thể được dùng để đo phản ứng kháng thể đối với protein gai trong virus SARS-CoV-2 nhằm hỗ trợ phát triển tái tổ hợp của các kháng thể này trong tương lai.
Đặng Ánh