Do ảnh hưởng của giá cả thị trường, những năm gần đây, cà phê được xem là cây trồng chủ lực của tỉnh Kon Tum đã không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Cùng với áp lực phải tái canh các diện tích cà phê già cỗi, nông dân đã tìm đến một số loại cây trồng khác như các loại cây ăn quả, với hy vọng sẽ cho thu nhập cao hơn. Thế nhưng, việc tìm đầu ra cho các sản phẩm mới thêm một lần nữa khiến người nông dân gặp khó khăn. Nắm bắt cơ hội này, các hợp tác xã ở Kon Tum đã hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm.
Hình thành chuỗi liên kết
Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Thương mại ứng dụng Công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm (Hợp tác xã Bắc Tây Nguyên Farm) được thành lập từ tháng 6/2020 sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Hợp tác xã Bắc Tây Nguyên Farm cho biết, hiện hợp tác xã đang xây dựng vùng nguyên liệu 144 ha cà phê hữu cơ, 132 ha chuối tiêu hồng, 20 ha cao su và khoảng 50ha các loại cây ăn quả khác như sầu riêng, bơ, mít…
Toàn bộ diện tích này đều được ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hợp tác xã có 15 xã viên, tạo việc làm cho 40 lao động thường xuyên và trên 100 người khi vào mùa.
“Đến thời điểm phải tái canh cà phê, nhiều bà con còn khó khăn trong việc lựa chọn cây trồng phù hợp. Khi thấy chúng tôi xây dựng các khu vườn nông nghiệp có hiệu quả kinh tế, bà con dần tìm đến, đăng ký tham gia vào hợp tác xã. Đến nay, số lượng thành viên hợp tác xã đang dần được tăng lên, các sản phẩm nông nghiệp dần được các thị trường biết đến nhiều hơn. Đặc biệt, chuối tiêu hồng của đơn vị đã xuất khẩu đi Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản”, ông Vũ Ngọc Hà cho biết thêm.
Theo báo cáo, chỉ trong 6 tháng cuối năm 2020 kể từ khi thành lập, Hợp tác xã Bắc Tây Nguyên Farm đã đạt doanh thu trên 1,2 tỷ đồng. Đây là con số ấn tượng, cho thấy hướng đi đúng đắn của đơn vị này trong việc định hướng sản xuất nông nghiệp bền vững.
Anh Bùi Văn Đông, xã viên Hợp tác xã Bắc Tây Nguyên Farm cho biết, gia đình anh có 3,5ha đất canh tác nông nghiệp tại huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum tham gia vào hợp tác xã; trong đó, 2,4ha anh trồng chuối tiêu hồng, 1,1ha còn lại anh canh tác cà phê. Đến nay, vườn chuối tiêu hồng của gia đình anh đã cho thu hoạch, mang lại lợi nhuận cao hơn so với trồng thuần cà phê.
“Tham gia vào hợp tác xã, tôi được áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, qua đó mang lại giá trị cao hơn cho các sản phẩm. Bên cạnh đó, tôi cũng tạo việc làm thường xuyên cho người dân là người đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn ở đây, giúp họ có công việc ổn định, trang trải cuộc sống gia đình”, anh Đông chia sẻ.
Trong khi đó, Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) được thành lập từ năm 2012, với ngành nghề kinh doanh chính thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, với lợi thế của huyện Đăk Hà là vùng trồng cà phê nhiều nhất của tỉnh Kon Tum, đơn vị đã mạnh dạn áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất cà phê như công nghệ tưới tiết kiệm hay công nghệ ủ phân vi sinh từ vỏ cà phê…
Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và thương mại Sáu Nhung cho biết, với nguồn nguyên liệu sẵn có và thế mạnh về cà phê của địa phương, Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến cà phê bột pha phin mang thương hiệu Cà phê đặc biệt Sáu Nhung.
Các sản phẩm cà phê của đơn vị được sản xuất khép kín từ đầu quá trình nguyên liệu được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất. Nhờ đó, sản phẩm Cà phê đặc biệt Sáu Nhung đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Từ việc chỉ có 7 thành viên vào năm 2016, đến nay, Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và thương mại Sáu Nhung đã có 113 thành viên; trong đó có 32 thành viên chính thức và 81 thành viên liên kết, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại chỗ. Tổng doanh thu của đơn vị cũng không ngừng nâng lên, từ khoảng 1,6 tỷ vào năm 2016 lên trên 16 tỷ đồng vào năm 2020.
Nắm bắt được tình hình thị trường và xu thế tiêu dùng, Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư chuỗi siêu thị mini chuyên cung cấp các sản phẩm nông sản sạch, đặc sản vùng miền, liên kết các hợp tác xã trên toàn quốc, giúp người dân được tiêu dùng sản phẩm sạch, chất lượng, giá cả hợp lý.
Siêu thị mini cũng là nơi tạo môi trường mua bán, trao đổi hàng hóa, tạo việc làm, tận dụng được nguồn lao động nông nhàn, kém sức và phát triển kinh tế hộ. Đến nay, tỉ lệ sản phẩm của các thành viên hợp tác xã làm ra được bao tiêu đầu ra luôn đạt 95%, ông Nguyễn Tri Sáu phân tích.
Tạo thuận lợi cho hợp tác xã phát triển
Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kon Tum, trong năm 2020, toàn tỉnh Kon Tum có 40 hợp tác xã được thành lập mới, nhiều nhất từ trước tới nay. Qua đó, nâng tổng số hợp tác xã của tỉnh lên 165, thu hút hơn 10.000 thành viên tham gia, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động ở nông thôn, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, đời sống của các xã viên ngày càng được nâng lên.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kon Tum đánh giá, tính đến cuối năm 2020, doanh thu bình quân của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 1,1 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân khoảng 250 triệu đồng/năm. Qua đó, nâng thu nhập của bình quân của các thành viên lên 40 triệu đồng/người/năm, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt khoảng 47 triệu đồng/người/năm.
Đặc biệt, các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số hợp tác xã của tỉnh (112/165). Đây là dấu hiệu đáng mừng bởi các hợp tác xã đã phát triển dựa trên thế mạnh của chính địa phương. Không những vậy, có trên 60% số hợp tác xã nông nghiệp có tích lũy vốn và thực hiện tái đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Các hợp tác xã này có tốc độ phát triển ổn định, bền vững, từng bước thể hiện hiệu quả của mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Ông Bùi Huy Cường, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Kon Tum cho biết, trong năm 2020, có khoảng 80% hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại; làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; nhiều hợp tác xã phải hoạt động cầm chừng, thu hẹp quy mô sản xuất.
Dù vậy, các hợp tác xã đã có nhiều chuyển biến tích cực trong tổ chức và hoạt động, tham gia đề án liên kết chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm. Đặc biệt, có 25 hợp tác xã kiểu mới sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, quy mô, hiệu quả hoạt động, tác động lan tỏa.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn. Dự kiến, cuối năm 2021, tỉnh sẽ có 200 hợp tác xã với khoảng 10.000 thành viên, hoạt động tập trung vào các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh như nông nghiệp, dược liệu, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả cạnh tranh… Nâng mức thu nhập bình quân của các thành viên hợp tác xã lên 42 triệu đồng/người/năm, ông Bùi Huy Cường nhấn mạnh.
Dư Toán