Đợt rét đậm, rét hại đang diễn ra tại các tỉnh miền Núi và Trung du, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Để chủ động phòng chống đói, rét cho vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại về chăn nuôi, đồng thời bảo đảm phát triển chăn nuôi, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có văn bản số 83/CN-KHCNMT&HTQT đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét cho vật nuôi kéo dài.
Theo đó, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó với rét đậm, rét hại; trong đó, tăng cường tuyên truyền cảnh báo thời tiết, diễn biến rét đậm, rét hại, kiến thức phòng, chống rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và hướng dẫn bà con các biện pháp bảo đảm an toàn cho sản xuất lúa, rau màu và cây trồng khác để người dân biết và áp dụng… Đồng thời, thành lập đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống đói, rét; chủ động đề xuất sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương và các nguồn hỗ trợ hợp pháp để phục vụ công tác phòng chống đói, rét cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc, hộ bị thiệt hại do bão lũ vừa qua để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn vật nuôi.
Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cho biết: Không khí lạnh kéo dài liên tục, nhiều ngày ảnh hưởng đến các địa phương trong tỉnh, đặc biệt đợt rét đậm, rét hại lần này có nhiều diễn biến bất thường. Cá biệt một số vùng núi cao có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá trong khoảng từ đêm 8 - 10/2/2025.
Để chủ động phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm ngành nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các ngành chức năng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đề xuất sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để phục vụ công tác phòng chống đói, rét cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ bị thiệt hại do bão lũ vừa qua để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn vật nuôi.
Sở cũng đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi để có biện pháp chống dịch kịp thời không để dịch bệnh lây lan; chuẩn bị đầy đủ vật tư, vắc xin để triển khai tiêm phòng cho đàn vật nuôi….
Để chủ động phòng tránh rét cho đàn vật nuôi, Hải Phòng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Theo đó, Hải Phòng đã tuyên truyền phòng chống rét trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Cùng với đó, bà con cũng chủ động nắm bắt thông tin dự báo thời tiết qua các phương tiện để chủ động chống rét.
Anh Trần Hữu Đức, phường An Hải, quận An Dương cho hay, gia đình có nuôi hơn 10.000 con gà đẻ trứng. Khi thời tiết rét đậm, rét hại như hiện nay gia đình đã chuẩn bị tốt phần chuồng trại. Nhiệt độ xuống thấp, gia đình sẽ điều tiết không khí ra vào chuồng trại để đảm bảo giữ nhiệt độ ấm cho gà. Cùng với đó thời tiết lạnh, gà khó tiêu hóa sẽ giảm phần ăn để đảm bảo sức khỏe cho gia cầm.
Ông Lê Quốc Hùng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quận An Dương cho biết: Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay, quận đã tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa phường cùng các phương tiện khác về các biện pháp chống rét… Trong những ngày qua, bà con trên địa bàn cũng đã thực hiện tốt các biện pháp phòng chống rét cho mạ. Đối với các hộ, đơn vị chăn nuôi gia cầm, gia súc cũng đã chủ động tổ chức đầy đủ các biện pháp phòng chống rét đợt này.
Cùng với các địa phương, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đã có công văn về việc chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại; trong đó có nội dung cần tăng cường tuyên truyền cảnh báo thời tiết, diễn biến rét đậm, rét hại, kiến thức phòng, chống rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thuỷ sản và hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho sản xuất lúa, rau màu và cây trồng khác để người dân biết và áp dụng…
Ông Nguyễn Văn Thái, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Chí Linh cho biết, hiện địa phương có tổng đàn gà khoảng 2,1 triệu con. Theo người chăn nuôi tại các xã Bắc An, Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám (thành phố Chí Linh), để ứng phó với thời tiết rét đậm, rét hại, người chăn nuôi chủ động giữ ấm cho đàn vật nuôi bằng những cách: gia cố, che chắn kỹ chuồng trại, quan tâm bổ sung thức ăn, nước uống cho đàn gia cầm, tiêm phòng đầy đủ, quét dọn chuồng trại và phun khử trùng để bảo đảm chuồng trại sạch sẽ.
Tỉnh Hải Dương có tổng đàn trâu ước trên 5.400 con; đàn bò đạt trên 14.200 con; đàn lợn khoảng 462.000 con (riêng đàn lợn thịt ước khoảng 317.000 con); đàn gia cầm đạt 17,8 triệu con. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, trước, trong và sau Tết, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật được kiểm soát có hiệu quả; dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ không ghi nhận báo cáo về bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật... Trong đợt rét đậm, rét hại lần này Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đề nghị tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản; chống rét cho mạ xuân, khuyến cáo nông dân không gieo trồng trong những ngày rét đậm, rét hại, không chăn thả trâu, bò khi nhiệt độ xuống thấp...
Ngọc Trần