Ngày 19/11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức Hội thảo ‘‘Đào tạo nguồn lao động cho doanh nghiệp trong bối cảnh giãn cách do dịch COVID-19’’. Đây là hội thảo đầu tiên liên quan đến lĩnh vực đào tạo nguồn lao động tại Cà Mau từ khi tỉnh ban hành quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong điều kiện bình thường mới.
Trong khuôn khổ hội thảo, các diễn giả là nhà quản trị nguồn nhân lực lao động của Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và chuyên gia về luật đã thuyết trình, phân tích một cách biện chứng, khoa học về tổng thể xu hướng thị trường lao động tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn tái sản xuất sau giãn cách; mô hình quản trị nguồn nhân lực trong khủng hoảng và những kinh nghiệm, giải pháp cho doanh nghiệp sử dụng lao động hiệu quả; giải pháp cắt giảm lao động ‘‘cứng’’ và ‘‘mềm’’ giúp doanh nghiệp ứng phó với việc giảm doanh thu trong bối cảnh dịch COVID-19.
Hội thảo dành nhiều thời gian đề các nhà quản lý, diễn giả, chuyên gia về luật, doanh nghiệp thảo luận nhằm đưa ra một số giải pháp tối ưu, dễ làm, dễ thực hiện; đồng thời khuyến nghị chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khắc phục khó khăn, tiếp tục thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi thị trường lao động, hỗ trợ lao động tìm việc làm, đào tạo nghề cho người lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong tình hình hiện nay và trong thời gian tới.
Theo Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lam, đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế ở nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam. Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Cà Mau có thế mạnh về phát triển thủy sản nhưng cũng đang giảm sút và kéo dài cho đến quý 4/2021.
Việc giãn cách xã hội kéo dài đã làm cho nhiều doanh nghiệp địa phương phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, bố trí lại sản xuất theo phương án ‘‘3 tại chỗ’’, ‘‘1 cung đường, 2 điểm đến’’.
Nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động để phòng, chống dịch nên nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp giảm mạnh, dẫn đến nguồn lao động bị dôi dư rất lớn. Doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng năm 2021 ở khu vực phía Nam giảm so cùng kỳ. Điều này kéo theo việc giải quyết việc làm cho lao động sẽ giảm xuống, trong khi nhu cầu việc làm thì đang rất lớn.
Tại Cà Mau chưa đến 400 doanh nghiệp được thành lập mới, giảm so với cùng kỳ năm trước. Dù có các doanh nghiệp ở Cà Mau được thành lập mới nhưng tỷ lệ thành lập chậm và các doanh nghiệp cũng sử dụng lao động ít, dẫn đến khó giải quyết việc làm cho lao động tại Cà Mau.
Các vấn đề liên quan đến Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, vấn đề đô thị hóa chậm, dân số ổn định, di dân, cấu trúc kinh tế, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ con thấp... ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng là nguyên nhân gây tác động đến chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động. Thêm nữa, trong khu vực này hiện chưa có nhiều doanh nghiệp đảm bảo được yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ cao để sử dụng lao động có tay nghề, đây là vấn đề lớn cần được quan tâm trong thời gian tới.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quản trị (CEMD) thuộc Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Hữu Lam nhấn mạnh tới các giải pháp, định hướng cho vấn đề đào tạo và phát triển nhân lực hậu dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Cà Mau với quan điểm toàn diện và chiến lược.
Trong đó ông đề xuất những mục tiêu ưu tiên cho đào tạo nguồn nhân lực, các mô hình của tổ chức hiện đại, hệ sinh thái lực lượng lao động, quan hệ giữa tổ chức và người lao động trong việc duy trì việc làm khác với đảm bảo việc làm, kỹ năng mà các công ty ưu tiên tập trung đào tạo lao động...
Hội thảo đã đúc kết được một số giải pháp quan trọng về vấn đề đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng, tay nghề cho người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID- 19, đảm bảo người lao động được ổn định cuộc sống mới.
Các đại biểu đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho người lao động, giúp người lao động sau khi tham gia học nghề có thể dễ dàng tìm kiếm việc làm phù hợp; đảm bảo chất lượng lao động cung cấp cho doanh nghiệp trên địa bàn nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tối đa những thiệt hại do đại dịch; sự gắn kết giữa các sở, ban ngành, cơ sở giáo dục, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, người lao động theo hướng bền vững và hiệu quả cao.
Liên quan đến lĩnh vực đào tạo lao động tại Cà Mau, ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, cho biết: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong khu vực dẫn đến tình trạng mất việc, thiếu lao động tăng cao so những năm trước, nhiều lao động bị mất hoặc giảm sâu về thu nhập.
Thị trường lao động ở tỉnh Cà Mau bị biến động mạnh, cũng như một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... tình trạng mất việc làm và thiếu lao động tại các doanh nghiệp tăng cao.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã tiếp đón trên 54.800 công dân từ các địa phương trở về để tránh dịch, đa phần là lao động làm việc cho các công ty, nhà máy ở ngoài tỉnh. Việc rà soát cho thấy, khoảng 44.000 người lao động đang cần được hỗ trợ để giải quyết việc làm.
Hiện nay, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động vào làm việc trên địa bàn tỉnh Cà Mau là khá lớn. Vì vậy, việc đào tạo lao động cho doanh nghiệp trong bối cảnh sau giãn cách, cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần tạo việc làm cho người lao động có thu nhập và ổn định cuộc sống là vấn đề các cấp, ngành, doanh nghiệp và xã hội rất quan tâm.
"Sau hội thảo này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau sẽ nghiên cứu, chọn lọc và vận dụng các giải pháp phù hợp, mang tính khả thi để chủ động xây dựng lộ trình, bước đi trong triển khai các giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động sau đại dịch; cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần tạo việc làm cho người lao động có thu nhập và ổn định cuộc sống", Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Thanh chia sẻ./.
Kim Há