Đông đảo ngư dân vùng biển Sông Đốc (Cà Mau) tham dự lễ Nghinh Ông. Ảnh: TTXVN phát |
Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 21/5/2019 về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2019 -2024, tỉnh Cà Mau lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với di sản văn hóa Lễ hội Nghinh Ông - Sông Đốc, Lễ hội Đền thờ Vua Hùng, Lễ Vía Bà Thủy Long, Lễ Vía Bà Thiên Hậu và các nghề truyền thống gác kèo ong, muối ba khía, làm tôm khô... Qua đó, xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể hiện có; sưu tầm, xây dựng hệ thống tư liệu, tài liệu, hiện vật, quy trình thực hành, trưng bày, giới thiệu, quảng bá rộng rãi các di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận.
Từ năm 2026 đến 2030, tỉnh phấn đấu mỗi năm xây dựng ít nhất 1 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị bổ sung vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; xây dựng và thực hiện ít nhất 1 kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận tromg năm trước liền kề.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả việc bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng, nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hoạt động trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời tiếp tục huy động nguồn lực của toàn xã hội tham gia gìn giữ, bảo vệ và phát huy văn hóa dân tộc; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của toàn xã hội, các chủ thể văn hóa, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể; có giải pháp bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể một cách lâu dài, bền vững gắn với giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá rộng rãi nhằm để thu hút sự quan tâm, trải nghiệm của công chúng. Bên cạnh đó, các trường trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học, trường chính trị, trung tâm bồi dưỡng chinh trị các huyện, thành phố tăng cường giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể cho học sinh, sinh viên, học viên bằng hình thức nói chuyện chuyên đề.
Kim Há