Nông dân làm đất xuống giống lúa Hè Thu . Ảnh: Duy Khương - TTXVN |
Nông dân tỉnh Cà Mau đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ trong những ngày tới. Bởi cày ải được xem là khâu đầu tiên và quan trọng không chỉ có tác dụng diệt cỏ, ngăn phèn lên bề mặt ruộng mà còn giảm đáng kể các mầm bệnh tồn lưu trong đất, quyết định đến sự tăng trưởng của cây lúa. Để sản xuất vụ Mùa đạt hiệu quả hạn chế thiệt hại do thiên tai, ngay từ đầu tháng 4 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã triển khai hướng dẫn khung lịch thời vụ và cơ cấu giống cho sản xuất vụ lúa Hè Thu. Theo đó, thời gian gieo sạ khô vào cuối tháng 4 (dương lịch) đến trước khi mùa mưa thật sự bắt đầu, tập trung ở xã Tân Lộc, Tân Lộc Bắc thuộc huyện Thới Bình và các xã Khánh Bình, Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây của huyện Trần Văn Thời. Mặt khác, để khắc phục tình trạng hàng năm lúa thường bị đổ ngã do mưa, dông lốc vào cuối vụ, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau cũng khuyến cáo nông dân cần chú ý khâu thâm canh như: chọn giống lúa thấp, cứng cây, chống đổ ngã, gieo sạ không quá 120 kg giống/ha, bón phân cân đối, tránh tình trạng thừa phân đạm. Đồng thời, tăng cường bón phân sinh học, kali, silic giúp lúa cứng cây và không lạm dụng phân bón lá, chất kích thích tăng trưởng sau khi trổ để hạn chế đổ ngã. Bên cạnh đó, giá lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ, công lao động thuê mướn vẫn ở mức cao nên các địa phương cần tập trung chỉ đạo tổ chức lại sản xuất theo mô hình liên kết nông dân gắn với hợp tác xã, tổ hợp tác và các doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ lúa hàng hoá theo chuỗi giá trị. Sản xuất tập trung thành vùng nguyên liệu lúa an toàn, có truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm tối đa chi phí, giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng lúa gạo, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Ngoài ra, cũng để nhằm hạn chế tình trạng mất mùa, mất giá như vụ Đông Xuân vừa qua, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên nắm bắt thông tin nhu cầu sử dụng lúa hàng hoá của thị trường để chọn giống gieo sạ cho phù hợp trong vụ lúa Hè Thu. Vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tranh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, nông dân nên chọn giống lúa gieo sạ nhóm "A" đạt cấp xác nhận, ít nhiễm sâu, bệnh, năng suất cao, chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu như: OM 5451, OM 6162… bố trí sản xuất khoảng 60% diện tích. Các loại lúa đặc sản như: RVT, Đài thơm 8, ST20, ST24... chỉ nên sản xuất theo hợp đồng liên kết với doanh nghiệp; trong đó, lưu ý là các giống RVT, Đài thơm 8 thì thị trường Trung Quốc tiêu thụ rất hạn chế, do đó chỉ nên bố trí sản xuất khoảng 20-25% diện tích. Tín hiệu tích cực trước vụ Mùa năm nay là thời tiết hiện rất thuận lợi cho việc cày ải phơi đất diễn ra đúng tiến độ. Mặc dù giá xăng dầu qua những lần điều chỉnh tăng cao, nhưng giá công cày ải năm nay không tăng so với năm trước, đang ở mức khoảng 110-120.000 đồng/0,1 ha. Tuy nhiên, nhiều nông dân tại huyện Trần Văn Thời cho biết, họ đang gặp khó trong khâu chọn giống lúa để gieo sạ. Bởi trong vụ đông Xuân vừa qua, nhiều hộ nông dân đã gieo sạ lúa chất lượng cao RVT, nhưng giá bán lại thấp hơn giống lúa chất lượng trung bình là OM 567 và OM 6976 từ 200-300 đồng/kg lúa thương phẩm. Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau cho biết, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ đó sản xuất cũng tập trung vào các loại lúa có chất lượng, giá trị cao. Tuy nhiên, những loại lúa này thị trường hạn chế, tiêu thụ khó khăn dẫn đến mất cân đối giữa các nguồn cung khiến giá lúa xuống thấp. “Thực tiễn đã chứng minh chính vấn đề tổ chức quy hoạch sản xuất và cơ cấu giống cây trồng còn nhiều bất cập. Trong thời gian dài, thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nên điệp khúc "dội hàng ế chợ" thường xuyên xảy ra”, ông Nguyễn Trần Thức chia sẻ.
Huỳnh Anh