Du lịch sinh thái đang là điểm nhấn quan trọng thu hút du khách đến thăm Đất Mũi Cà Mau. Ảnh: Thế Anh-TTXVN |
Tọa đàm được tổ chức nhằm kết nối, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp, xây dựng tour tuyến, liên kết phát triển du lịch không chỉ giữa Cà Mau với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mà còn tạo liên kết với các tỉnh nằm trên tuyến đường hành lang ven biển phía Nam của Thái Lan và Campuchia.
Cà Mau là một trong 4 tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với ngư trường đánh bắt thủy hải sản lớn nhất Việt Nam. Vì vậy, Cà Mau có tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái với trên 100.000 ha rừng tràm, rừng đước ngập nước đặc trưng đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới…
Tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân khẳng định, Cà Mau là địa phương có đặc điểm văn hóa đặc sắc và hội tụ nhiều yếu tố để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch biển đảo, du lịch địa lý, sinh thái, nghỉ dưỡng… Tuy nhiên, trước xu thế toàn cầu hóa, du lịch ở Cà Mau muốn phát triển thì cần tiếp thu và chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
"Thực tế cho thấy, hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác, du lịch rất cần liên kết để phát triển", ông Trần Hồng Quân nhấn mạnh.
Ông Tiêu Minh Tiên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, cho biết, những năm qua, hoạt động du lịch của tỉnh đã có bước phát triển đáng kể về hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và xúc tiến quảng bá du lịch… Từ đó, du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng du lịch - dịch vụ trong tổng sản phẩm trên địa bàn. Sự phát triển của ngành du lịch không chỉ tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và cộng đồng dân cư mà còn tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo tiền đề cho các ngành nghề khác phát triển.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu để thúc đẩy phát triển du lịch Cà Mau.
Ông Peerapol Triyakasem, Chủ tịch Vietnam Center in Thailand thông tin, năm 2018, du lịch của Thái Lan đã thu hút trên 30 triệu du khách, qua đó doanh thu đạt khoảng 70 tỉ USD. Du lịch phát triển mạnh đã chiếm tỷ trọng lớn về thu nhập của đất nước Thái Lan. Năm 2019, riêng khách du lịch từ Việt Nam chiếm tỷ trọng cao.
“Để du lịch Cà Mau phát triển bền vững trong thời gian tới, bên cạnh việc phải có sản phẩm du lịch đặc trưng, các dịch vụ bổ trợ thì cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch cần được đầu tư đồng bộ. Hiện nay cần nhìn nhận là ngành du lịch ở Cà Mau dù đã có nhiều bước phát triển nhưng vẫn chưa được hoàn thiện. Du khách đến được với Cà Mau phải tốn nhiều thời gian, công sức. Đây là lý do khiến du khách nước ngoài ít đến với Cà Mau trong thời gian qua”, ông Peerapol Triyakasem chia sẻ.
Ông Tiêu Minh Tiên cũng thẳng thắn nhìn nhận, Cà Mau có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là cơ sở hạ tầng, các sản phẩm du lịch và dịch vụ còn nghèo nàn, đơn điệu. Đặc biệt, chưa kết nối được các điểm du lịch hấp dẫn thành những chương trình du lịch dài ngày. Nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và chỉ mới bước đầu đi vào chuyên nghiệp hóa.
"Để ngành du lịch phát triển bền vững, thời gian tới, Cà Mau sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để tăng khả năng tiếp cận tài nguyên du lịch, đặc biệt là tại các địa bàn du lịch trọng điểm của tỉnh. Trong đó, tỉnh tập trung bảo vệ, tôn tạo tài nguyên môi trường và những giá trị văn hóa sinh thái đặc thù của tỉnh. Cà Mau đã đề ra nhiều kế hoạch cụ thể để xúc tiến đầu tư, kêu gọi nhà đầu tư tham gia các dự án du lịch mang tính chiến lược, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch…" - ông Tiêu Minh Tiên nhấn mạnh.
Huỳnh Anh
TTXVN