Bước đột phá trong điều trị các vết thương lâu lành

Một nhóm nhà khoa học quốc tế do Australia dẫn đầu đã đạt được bước đột phá lớn trong điều trị hiệu quả các vết thương lâu lành.

Trong nghiên cứu được công bố ngày 19/2, các nhà nghiên cứu từ Australia, Nhật Bản, Anh và Mỹ cho biết đã sử dụng huyết tương để phát triển phương pháp điều trị hiệu quả hơn cho các vết thương lâu lành, mà không cần dùng tới thuốc kháng sinh hoặc băng gạc chứa ion bạc.

Ông Endre Szili - Trưởng nhóm nghiên cứu y học huyết tương thuộc Đại học Nam Australia (UniSA), đồng thời là chủ nhiệm của nghiên cứu quốc tế nêu trên - khẳng định rằng ông cùng các cộng sự đã đạt được bước đột phá quan trọng, có thể cách mạng hóa việc điều trị các vết thương bên trong, vết loét bàn chân do tiểu đường và các khối u có khả năng gây ung thư.

Phương pháp điều trị bằng liệu pháp hydrogel kích hoạt huyết tương (PAHT) là liệu pháp sử dụng khí ion hóa plasma lạnh (có thể tạo ra chất oxy hóa mạnh) nhằm tăng cường hiệu quả của băng gạc hydrogel trong việc tiêu diệt các vi khuẩn khiến vết thương bị nhiễm trùng.

Ông Szili cho biết: “Nhiễm trùng vết thương mãn tính là đại dịch thầm lặng, có nguy cơ trở thành cuộc khủng hoảng y tế sức khỏe toàn cầu. Chúng ta cần tìm ra các phương pháp điều trị thay thế cho thuốc kháng sinh và băng gạc, trong bối cảnh những phương pháp điều trị này không hiệu quả, theo đó thường dẫn tới các tình huống bệnh nhân phải cắt cụt chi".

Theo nghiên cứu, thế giới hiện có hơn 540 triệu người đang mắc bệnh tiểu đường và 30% trong số họ có nguy cơ bị loét bàn chân trong suốt cuộc đời. Giới chuyên gia ước tính chi phí điều trị các vết thương lâu lành như loét bàn chân do tiểu đường trên toàn cầu là hơn 17 tỷ USD/năm.

Ông Szili nhấn mạnh cả thuốc kháng sinh và băng gạc đều không được coi là giải pháp lâu dài, do những lo ngại ngày càng gia tăng về tình trạng kháng thuốc kháng sinh và độc tính do ion bạc gây ra.

Thanh Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm