Bon làng vui hội mùa xuân

Bon làng vui hội mùa xuân
Một góc Hội Xuân tại xã Quảng Hòa (Đắk Glong)
Một góc Hội Xuân tại xã Quảng Hòa (Đắk Glong)
NHỘN NHỊP VÀO HỘI

Năm nay, ngoài các phần thi giã gạo nấu cơm nhanh, ẩm thực truyền thống, đẩy gậy, nhảy bao bố, đan gùi, kéo co, vật tay, hát dân ca, Hội xuân còn có thêm các phần thi mới như diễn tấu cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm, trang phục truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc.

Ngay từ sáng sớm, dòng người khắp nơi đã đổ về Khu công viên văn hóa Liêng Nung để tham gia ngày hội, với không khí hết sức vui tươi, phấn khởi. Ở khu vực thi ẩm thực truyền thống, từng tốp đồng bào dự thi mang theo lỉnh kỉnh các loại dụng cụ như củi, nia, gùi, các nguyên liệu cần thiết. Từng bếp lửa được khẩn trương nhóm lên, tốp thì cho gạo vào ống tre để làm cơm lam; tốp thì xiên thịt vào cây chuẩn bị nướng. Mỗi đoàn chọn những món ăn truyền thống đặc sắc của dân tộc mình, chế biến một cách công phu nhất, ngon nhất để dự thi.

Già K’Biêng, ở bon Ting Wel Đơm chia sẻ: “Để tham gia ngày hội, bon đã chuẩn bị các khâu cần thiết trong hơn một tháng qua. Già cùng thanh niên trong bon đi chặt tre, đi câu cá lóc ở suối về. Ngoài rượu cần thì các nguyên liệu chế biến món ăn truyền thống đều phải lên rừng, ra suối lấy”.

Chế biến món cơm lam truyền thống
Chế biến món cơm lam truyền thống
Ở gần đó, một nhóm phụ nữ dân tộc Mạ đang làm đẹp cho  nhau. Với những bộ trang phục truyền thống, họ sẽ tham gia phần thi giã gạo nấu cơm nhanh. Các loại dụng cụ chính như cối, nia, lúa, nồi đã được chuẩn bị sẵn sàng. Chị H’Pa, bon Bu Sốp tâm sự: “Ở gia đình thì chiếc cối vẫn thường xuyên được sử dụng giã gạo, rau rừng để chế biến những món ăn truyền thống dân tộc mình nên không có gì phải lo lắng”.

Phần thi giã gạo nấu cơm nhanh khởi động cho ngày hội, đã mang đến cho hội xuân không khí sôi nổi, hào hứng cho cả người thi và người cổ vũ. Không sôi động, ồn ào, nhưng phần thi đan lát, dệt thổ cẩm cũng thu hút đông đảo người xem. Mọi người cứ lặng lẽ, chăm chú theo dõi từng động tác của nghệ nhân, trầm trồ với những hoa văn truyền thống, không tiếc lời khen những nghệ nhân có đôi tay tài hoa.

Già K’War, ở  bon N’Jriêng nói: “Để đan được chiếc nia truyền thống của dân tộc Mạ, tôi đã dành không ít thời gian vào rừng chặt tre, mây, rồi vót sẵn mới đến dự thi”. Còn chị Thị Djê đến từ bon Đắk R’moan, xã Đắk R’moan cho biết: “Tôi đan chiếc váy truyền thống của người M’nông, là trang phục có nhiều hoa văn tinh xảo, nên cố gắng thể hiện cho đẹp nhất, nhanh nhất. Mỗi khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống tôi thấy rất tự hào”.

TÔN VINH CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

Thị xã Gia Nghĩa hiện có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, quy tụ nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Vì vậy, đến với Hội xuân, mỗi dân tộc mang những cái hay, cái đẹp truyền thống của dân tộc mình, tạo cho ngày hội nhiều màu sắc đặc sắc. Có thể kể đến là trang phục truyền thống, nghi lễ sum họp cộng đồng của dân tộc Mạ; sự mạnh mẽ, duyên dáng của những phụ nữ trong phần thi giã gạo nấu cơm nhanh; những làn điệu dân ca ngọt ngào...

Rộn ràng vào Hội
Rộn ràng vào Hội
Với những người tham gia các phần thi đó là niềm tự hào khi được khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống, được nói về bản sắc văn hóa dân tộc qua các món ăn, trang phục... Còn với những người đến tham quan hội, thì được xem lễ kết nghĩa truyền thống, các hoạt động đan lát, dệt thổ cẩm, diễn tấu cồng chiêng, hát dân ca, thấy được tài năng của các nghệ nhân, đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Bạn Nguyễn Thị Hà, đến từ phường Nghĩa Trung tâm sự: “Đây là lần đầu tiên mình có dịp tham gia ngày hội, thấy trang phục rất đẹp, món ăn thì hấp dẫn, tạo nhiều ấn tượng. Qua ngày hội, mình hiểu thêm về văn hóa truyền thống các dân tộc nơi đang sinh  sống”.

Một trong những điều thú vị là Hội xuân ngày càng thu hút thanh niên nam nữ các dân tộc tham gia, là môi trường để giới trẻ hiểu thêm về bản sắc văn hóa, tự hào về dân tộc mình. Em Điểu Loan, ở bon Đắk R’moan, xã Đắk R’moan tâm sự: “Em rất vui vì được tham gia các phần thi tại ngày hội nên cố gắng hết khả năng để thể hiện tốt nhất”.

Theo bà Nguyễn Thị Lưu, Phó Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa, Trưởng Ban tổ chức Hội Xuân Liêng Nung thì Hội xuân đã góp phần khơi dậy phong trào văn hóa, thể thao trong các đơn vị. Qua các hoạt động của lễ hội đó, không những khẳng định tài năng nghệ thuật và trách nhiệm của mỗi nghệ nhân, vận động viên trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà còn để mọi người dân, nhất là giới trẻ biết và tự hào về truyền thống dân tộc mình. Các dân tộc trên địa bàn có môi trường để thể hiện bản sắc, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống.
Báo Đắk Nông

Có thể bạn quan tâm