Bộ Y tế sẽ hướng dẫn thống nhất thực hiện quy định phòng dịch COVID-19 với người dân về quê đón Tết

Bộ Y tế sẽ hướng dẫn thống nhất thực hiện quy định phòng dịch COVID-19 với người dân về quê đón Tết

Chỉ còn 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhu cầu trở về quê sum họp của người dân gia tăng. Tuy nhiên, nhiều người sinh sống, làm việc xa quê - đặc biệt những người ở Hà Nội đang lo lắng sẽ phải cách ly tế 21 ngày khi về quê. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cấp cao Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết, căn cứ vào tình hình dịch, cơ quan chức năng chưa cấm việc người dân ở Hà Nội không nằm trong vùng dịch đi các nơi. Điều đó đồng nghĩa không phải cứ người ở Hà Nội đi về các địa phương là phải thực hiện biện pháp cách ly y tế (cách ly tập trung, cách ly tại nhà) trong 14-21 ngày.

Bộ Y tế sẽ hướng dẫn thống nhất thực hiện quy định phòng dịch COVID-19 với người dân về quê đón Tết ảnh 1 Kiểm tra y tế trước khi người dân hoàn thành cách ly về quê đón Tết. Ảnh: Công Tường - TTXVN

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, chủng SARS-CoV-2 biến thể có khả năng lây nhanh hơn 70% so với chủng cũ, bên cạnh đó một số trường hợp xét nghiệm phát hiện dương tính với virus sau 14 ngày. Vì thế, để kiểm soát dịch hiệu quả, hiện nay, thời gian cách ly y tế được thay đổi từ 14 lên 21 ngày.

Đồng thời, tất cả các trường hợp F1 (tiếp xúc gần với ca bệnh) hiện cũng đang được cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly tập trung. Các trường hợp F2 thực hiện cách ly tại nhà, trường hợp là F3 phải theo dõi sức khỏe dưới sự giám sát của y tế địa phương.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu cho biết, theo quy định, người từ vùng dịch về các địa phương sẽ bị cách ly y tế tập trung 21 ngày. Vùng có dịch được định nghĩa là khu vực được cơ quan có thẩm quyền xác định có dịch. Hiện nay, khu vực có dịch đã được phong tỏa nghiêm ngặt.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu lưu ý không chỉ người dân ở Hà Nội mà tất cả người dân nói chung đều phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Cụ thể, người dân không đi lại những chỗ không cần thiết, có thể di chuyển bằng phương tiện xe riêng hoặc thuê xe là tốt nhất. Nếu đi bằng các phương tiện công cộng, phải chấp hành theo quy định của đơn vị vận chuyển (nhà xe, hãng hàng không, bến tàu…) như ngồi giãn cách, đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn…

Bộ Y tế sẽ hướng dẫn thống nhất thực hiện quy định phòng dịch COVID-19 với người dân về quê đón Tết ảnh 2 Người dân không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách, không giữ khoảng cách tại bến xe Giáp Bát. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

“Người dân khi về quê ăn Tết cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như không đến chỗ không cần thiết, tránh tiếp xúc đông người, đeo khẩu trang, khử khuẩn… Lý do là vì nguy cơ dịch vẫn rất lớn, không chỉ nguy cơ ở các ổ dịch đã được kiểm soát”, Tiến sĩ Trần Đắc Phu nhấn mạnh.|

Tương tự, người từ Hà Nội khi về Quảng Ninh, Hải Dương (không vào các vùng dịch) sau khi ăn Tết xong vẫn quay về Hà Nội không phải cách ly tế. Tuy nhiên, cần lưu ý thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như theo dõi sức khỏe, khai báo y tế.

Theo quy định, việc cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 hiện bao gồm các hình thức sau: Cách ly tại nhà, nơi cư trú theo Quyết định số 879/QĐ-BYT ngày 12/03/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng, chống dịch COVID-19”.

Tại cơ sở cách y tế tập trung theo Quyết định số 878/QĐ-BYT ngày 12/03/2020 của Bộ Y tế V/v ban hành “Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19”.

Tại khách sạn theo Quyết định 1246/QĐ-BYT ngày 20/3/2020 về việc ban hành "Hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tập trung tại khách sạn trong phòng, chống dịch COVID-19 do người được cách ly tự nguyện chi trả".

Cách y y tế vùng có dịch theo Quyết định số 3986/QĐ-BYT ngày 16/9/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “Sổ tay hướng dẫn tổ chức thực hiện cách ly y tế vùng có dịch COVID-19”.

Cách ly y tế tại cơ sở khám chữa bệnh theo Quyết định số 1551/QĐ-BYT về hướng dẫn tổ chức cách ly y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong phòng, chống dịch COVID-19.

Hiện nay Bộ Y tế đã có quy định, hướng dẫn cụ thể về các hình thức cách ly này.

Chẳng hạn, đối với việc cách ly tại nhà, nơi cư trú theo quyết định 879. Theo đó, các đối tượng cách ly tại nhà, nơi lưu trú là người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định (F2, F3). Người thuộc đối tượng cách ly tập trung có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các đối tượng khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 hoặc hướng dẫn của Bộ Y tế theo diễn biến cụ thể của dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ: Bộ Y tế đã nhận được thông tin phản ánh của người người dân. Một số địa phương và cả cơ quan báo chí về việc một số địa phương quy định người đi từ vùng dịch hoặc đi qua vùng dịch, ở địa phương có những ổ dịch khi đến địa phương này phải thực hiện cách ly y tế tập trung hoặc cách ly tại nhà trong thời gian từ 14-21 ngày; gây bất biện cho người dân không thuộc đối tượng F1,F2, F3, nhất là khi người dân sắp trở về quê đón Tết...

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng: Đó là do có địa phương chưa nắm rõ các quy định liên quan đến khu vực có dịch, ổ dịch phải phong tỏa, khoanh vùng, cách ly... Do đó, Bộ Y tế đã giao Cục Y tế dự phòng tham mưu, dự thảo văn bản để sớm ban hành hướng dẫn thực hiện thống nhất trên toàn quốc; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đón Tết; đảm bảo mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Trong quá trình chờ văn bản hướng dẫn thống nhất, Bộ Y tế sẽ tư vấn trực tiếp việc thực hiện quy định giám sát y tế, cho địa phương phản ánh tới Bộ...

Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi trở về quê ăn Tết cần tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19, nhất là thông điệp 5K...

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm