Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành công ty công nghệ sinh học BioNtech Ugur Sahin tin rằng các liệu pháp sáng tạo có thể giúp giảm đáng kể số ca tử vong do ung thư.
Trả lời phỏng vấn báo Handelsblatt (Đức), ông Sahin cho biết: “Đối với một số loại ung thư nhất định, chúng tôi thấy không có lý do gì mà không thể giảm tỷ lệ tử vong xuống dưới 5% bằng các liệu pháp sáng tạo”. Ví dụ như ung thư ruột kết, hiện nay 30 đến 40% bệnh nhân bị tái phát di căn trong 5 năm đầu tiên sau khi khối u ác tính được phẫu thuật cắt bỏ. Cách tiếp cận của BioNtech liên quan đến việc loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật bằng vaccine mRNA.
Số ca tử vong do ung thư trên thế giới hiện đang gia tăng. Theo số liệu của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế, đã có 9,7 triệu bệnh nhân tử vong vì ung thư năm 2022, và con số này sẽ tăng lên gần 12 triệu người vào năm 2030 và 18,5 triệu người vào năm 2050. Hằng năm, thế giới ghi nhận thêm 20 triệu ca mắc ung thư và xu hướng này tiếp tục gia tăng.
Các công ty dược phẩm đều nhận thấy tiềm năng to lớn trong lĩnh vực thuốc điều trị ung thư và đang nỗ lực đưa các hoạt chất mới và công nghệ mới, trong đó có vaccine công nghệ mRNA ra thị trường. BioNtech cũng đang nghiên cứu một loạt loại thuốc điều trị ung thư mới được cá nhân hóa. Ông Sahin cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là giảm số bệnh nhân tử vong vì ung thư. Nếu công nghệ này hiệu quả, về nguyên tắc phương pháp này có thể sử dụng được cho mọi bệnh nhân ung thư nguy cơ tái phát cao”.
BioNtech, công ty có trụ sở tại Mainz, đã tạo ra doanh thu gần 19 tỷ euro với vaccine ngừa COVID-19 trong năm 2021 và giảm xuống còn 3,8 tỷ euro năm 2023. Mặc dù công ty đã thua lỗ trong quý đầu tiên của năm 2024, ông Sahin vẫn khẳng định BioNtech là một công ty công nghệ sinh học “có vị trí chiến lược tốt để có thể tài trợ cho các nghiên cứu phát triển mới bằng nguồn lực của chính mình”.
BioNtech muốn đưa loại thuốc điều trị ung thư đầu tiên ra thị trường vào năm 2026. Ông Sahin tin tưởng có thể tạo ra sự khác biệt lớn với các loại thuốc trị ung thư được cá nhân hóa dựa trên công nghệ mRNA. Với công nghệ mới, khối u cụ thể ở từng bệnh nhân được phân tích để cung cấp một loại thuốc điều trị phù hợp với đặc điểm di truyền của khối u. Nếu phương pháp này có hiệu quả, tỷ lệ tái phát có thể giảm đáng kể và do đó tỷ lệ tử vong cũng có thể giảm.
Theo ông Sahin, trong thập kỷ tới sẽ có những thay đổi đáng kể trong điều trị một số loại ung thư. Tuy nhiên, việc áp dụng rộng rãi các đột phá y học trong điều trị ung thư cần có thời gian. Nếu phương pháp điều trị mới có hiệu quả đối với một bệnh ung thư thì sau đó mới được thử nghiệm ở các loại ung thư khác. Ngoài ra, các phương pháp điều trị cũng liên tục phải được cải thiện hơn nữa.
Thu Hằng