Ngày 28/12, Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận ban hành Chương trình hành động thực hiện bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Bình Thuận phấn đấu đến năm 2030 cân đối đủ nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội.
Bình Thuận là tỉnh nằm trong vùng khô hạn của cả nước, những năm qua, việc bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và an toàn đập, hồ chứa nước luôn được các cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành chức năng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, yêu cầu bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn nhiều hạn chế, quản trị nguồn nước còn yếu, chưa hiệu quả; ý thức, trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị và người dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước chưa cao. Tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải của một số cơ sở sản xuất, nước thải sinh hoạt trong các khu dân cư... làm suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước còn xảy ra ở nhiều nơi.
Theo Chương trình hành động, Bình Thuận phấn đấu đến năm 2030 sẽ cân đối đủ nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; 100% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn. Toàn tỉnh hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ theo kế hoạch; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2045 sẽ chủ động được nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn; dự báo, cảnh báo dài hạn để xử lý ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Tỉnh sẽ kiểm soát và khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước, an ninh nguồn nước tại các lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi; thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về nước bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Bình Thuận sẽ tranh thủ nguồn vốn Trung ương và huy động nguồn lực xã hội hóa trong nhân dân để tiếp tục đầu tư, nâng cấp, cải tạo và kiến cố hóa các công trình thủy lợi theo quy hoạch. Đầu tư khép kín, hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi, bảo đảm chủ động trữ nước, điều hòa, phân phối nguồn nước trong tỉnh, chú ý đúng mức việc đầu tư hệ thống kênh mương cấp II, cấp III, tránh thất thoát nước, tiết kiệm diện tích đất làm công trình thủy lợi.
Bên cạnh đó, tỉnh khẩn trương triển khai thủ tục để đầu tư xây dựng hồ La Ngà 3, hồ Ka Pétl rà soát đánh giá lại dự án công trình Kênh tiếp nước Biển Lạc - Hàm Tân để điều chỉnh cho phù hợp. Tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công công trình thủy lợi để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; xây dựng, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động các công trình cấp, thoát nước sinh hoạt nông thôn, đô thị, ưu tiên đầu tư cho khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh sẽ thực hiện giải pháp tích trữ nước quy mô nhỏ, hộ gia đình phục vụ sinh hoạt và sản xuất; rà soát chính sách hỗ trợ đầu tư hồ, bể dự trữ nước cho người dân các vùng thiếu nước, nhất là trong mùa khô.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 78 hệ thống công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác sử dụng với tổng năng lực tưới thiết kế 70.300 ha, tổng dung tích trữ 324 triệu m3, bao gồm các loại công trình: 21 hệ thống hồ chứa nước, 35 hệ thống đập dâng, 18 hệ thống trạm bơm, 4 hệ thống kênh nối mạng.
Được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã nỗ lực, dồn sức đầu tư, hoàn thành nhiều công trình thủy lợi lớn như: hồ Sông Quao, dung tích hơn 73 triệu m3; hồ Cà Giây, dung tích gần 40 triệu m3; hồ Lòng Sông, dung tích trên 35 triệu m3… Những công trình thủy lợi đã phát huy hiệu quả góp phần quyết định vào việc phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Thanh