Bình Thuận hiện có 34 dân tộc thiểu số (DTTS) với hơn 24.000 hộ dân, chiếm 8% dân số. Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tình hình kinh tế - xã hội tại các xã miền núi, vùng đồng bào DTTS đang từng bước đổi thay.
Nhằm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, từ năm 2015 đến nay, Bình Thuận đã đầu tư hơn 186 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào đẩy mạnh sản xuất, đồng thời đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học… Nhờ vậy, 100% xã vùng đồng bào DTTS đã có đường giao thông kiên cố, tạo thuận lợi cho vận chuyển nông sản và đi lại giữa các vùng; 98% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia; tình trạng hộ đồng bào DTTS không có đất ở và đất sản xuất đã cơ bản được giải quyết…
Để có được kết quả này, Bình Thuận đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, lồng ghép các chính sách của Trung ương và địa phương. Đặc biệt, Chương trình 135 được triển khai kịp thời, tạo đà phát triển toàn diện các lĩnh vực, từ y tế, giáo dục, văn hóa… đến kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng. Tận dụng hiệu quả Chương trình 135, các địa phương trong tỉnh còn linh hoạt triển khai nhiều mô hình sản xuất phù hợp như trồng bắp (ngô), trồng xoài, trồng mít, nuôi bò giống sinh sản…, đồng thời đẩy mạnh hướng dẫn đồng bào áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp, từng bước nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.
5 năm vừa qua, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS ở Bình Thuận đã giảm bình quân trên 2,6%/ năm. Nếu như vào năm 2016, số hộ nghèo vùng đồng bào DTTS trong tỉnh là 4.250 hộ (gần 20% tổng số hộ DTTS) thì đến nay, số hộ nghèo chỉ còn hơn 1.700 hộ (gần 7%). Đây là tín hiệu tích cực để Bình Thuận tiếp tục thực hiện tốt các chính sách, triển khai nhiều giải pháp, từ đó không ngừng nâng cao đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn.
Nguyễn Thanh