Ngày 12/11, tại thành phố Bắc Giang, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả 8 năm thực hiện Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2013-2020. Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, tỉnh Bắc Giang cùng các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Hòa Bình.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá, chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2013-2020, đồng thời triển khai xây dựng Đề án đến năm 2025.
Sau 8 năm thực hiện Đề án, các bộ, ngành và địa phương có vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Phần lớn các dự án tài trợ và thực hiện trên địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi có thời gian thực hiện từ 2 năm trở lên đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện điều kiện y tế, giáo dục, nâng cao dân trí, sức khỏe... cho người dân, góp phần phục vụ dài hơi hơn cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Cả nước đã huy động được gần 6.000 tỷ đồng với hơn 700 chương trình, dự án phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ dân trí và xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Thu hút hơn 300 lượt tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng hơn 600 công trình cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số với kinh phí hơn 36.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và phòng, chống HIV/AIDS ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường hợp tác và vận động viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài bằng nhiều hình thức. Thông qua các chương trình, dự án các tổ chức phi chính phủ nước ngoài còn hỗ trợ chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ, nâng cao dân trí, thí điểm các mô hình sản xuất, giới thiệu giống mới, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh...
Tuy nhiên, theo các đại biểu, hầu hết các công trình ở các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, tiền nhân công và giá cước vận chuyển cao, trong khi vốn đầu tư nhỏ… nên quy mô nhiều công trình phải điều chỉnh thu hẹp cho phù hợp với khả năng nguồn vốn, dẫn đến hiệu quả một số công trình còn thấp. Quy trình thủ tục quản lý các nguồn vốn viện trợ của Việt Nam với các nhà tài trợ chưa hài hòa, gây chậm trễ trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án; chưa phát huy được tiềm năng thế mạnh của vùng; sự cạnh tranh sản phẩm hàng hóa của địa phương còn thấp nên việc mở rộng sản xuất còn hạn chế...
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông nhấn mạnh: Để thực hiện tốt các mục tiêu của Đề án, thời gian tới, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Đề án; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành cung cấp thông tin tới các đối tác nước ngoài quan tâm đến viện trợ, hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. UBND các tỉnh, thành phố có vùng dân tộc thiểu số và miền núi xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Đề án; chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt các chương trình, dự án được triển khai ở địa phương theo thẩm quyền, đảm bảo nhanh chóng, đúng quy định; huy động các nguồn lực trên địa bàn để thực hiện tốt Đề án; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý và tuyên truyền nâng cao nhận thức, tay nghề cho đồng bào nhằm duy trì và phát huy hiệu quả các dự án.
Đồng Thúy