Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ trong xã, năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận (TTKN) xây dựng mô hình chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học, sử dụng đệm lót sinh học và dùng chế phẩm vi sinh hoạt tính ủ men thức ăn tại xã Đức Phú. Có 13 hộ dân tham gia thực hiện mô hình. Tham gia mô hình, các hộ được cấp 1.400 con vịt giống siêu nạc VIGOVA. Trước lúc thực hiện mô hình, cán bộ khuyến nông đã hướng dẫn cho các nông hộ làm chuồng trại hoặc tận dụng chuồng trại cũ nhưng đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát về mùa nóng, kín ấm về mùa đông.
Đàn vịt 60 ngày tuổi. Ảnh:khuyennongvn.gov |
Trong quá trình chăm sóc, cán bộ khuyến nông thường xuyên bám sát cơ sở, hướng dẫn nông dân chăm sóc, cho ăn, theo dõi sự phát triển của đàn vịt. Theo đó, nông dân phải cân đong thức ăn đúng liều lượng, thường xuyên vệ sinh thau rửa máng đựng thức ăn, máng nước uống, định kỳ phải được vệ sinh, tẩy uế, phun thuốc khử trùng chuồng trại, tiêm phòng vắc-xin viêm gan siêu vi trùng, viêm gan, cúm gia cầm, dịch tả vịt theo lịch trình. Nhờ vậy vịt nuôi của mô hình phát triển đồng đều, nhanh. Tỷ lệ sống từ ngày nuôi đến 30 ngày tuổi đạt 99%. Tỷ lệ hao hụt đa phần do cơ học tác động. Trọng lượng đạt cao nhất 1,8 kg/con (hộ chị Trần Thị Lợi và anh Trần Trung Hiếu), đa số đạt 1,6 kg/con. Trong thời gian nuôi 45 ngày tuổi, tập thả vịt ra sân vườn để vận động, tỷ lệ sống giai đoạn này đạt 100% và trọng lượng bình quân đạt 2,3 kg/con. Sau 60 ngày tuổi, tỷ lệ sống của đàn đạt 100%, trọng lượng bình quân 3,2 kg/con. Tính đến thời điểm này, mức tiêu tốn thức ăn/kg thể trọng tăng là 1,96 kg. Mức tiêu tốn thức ăn thấp là do nông hộ cho vịt ăn làm nhiều lần trong ngày và quản lý tốt số thức ăn rơi vãi. Mặt khác, mô hình áp dụng chế phẩm vi sinh hoạt tính ủ men thức ăn nên khả năng hấp thu dinh dưỡng trong thức ăn cao, giảm được khối lượng thức ăn hằng ngày. Ông Võ Xuân Vinh, hộ trực tiếp thực hiện mô hình cho biết: “Trong thời gian 30 ngày tuổi, đàn vịt phát triển nhanh, tỷ lệ chết và còi cọc thấp. Khi vịt được 40 ngày tuổi, một số nông hộ tận dụng thức ăn có sẵn ở địa phương (bắp) để ủ men vi sinh hoạt tính, nhưng do nguyên liệu bảo quản chưa tốt (có nấm mốc) nên vịt có hiện tượng rụt cổ, yếu chân. Một vài nông hộ chưa đầu tư đúng mức lượng thức ăn cho vịt. Tuy nhiên, nhờ kiểm tra phát hiện sớm và điều chỉnh kịp thời nên đàn vịt an toàn bệnh. Trong suốt thời gian nuôi, không có mùi hôi, không có ruồi muỗi, tốn ít công lao động dọn chuồng trại và sử dụng lượng nước ít hơn nhiều”. Tuy chi phí nuôi vịt theo công nghệ mới cao hơn so với nuôi vịt theo tập quán cũ nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn. Cụ thể: đầu tư cho 100 con vịt siêu nạc khoảng 9 triệu đồng, ở 60 ngày tuổi trọng lượng bình quân 3,2 kg/con, nên giá thành sản xuất 29 nghìn đồng/kg hơi. Giá bán vịt tại địa phương 40 nghìn đồng/kg hơi. Doanh thu đạt 12,4 triệu đồng, lợi nhuận bình quân 3,4 triệu đồng/100 con vịt. Cá biệt như nông hộ Trần Thị Lợi, Trần Trung Hiếu, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, vịt phát triển đồng đều, tăng trọng nhanh (bình quân 3,6 kg/con), quản lý đàn tốt (tỷ lệ sống 100%) nên thu lợi nhuận cao (4,5 triệu đồng/100 con). Thiết thực hơn nữa, vịt ở mô hình là nguồn thực phẩm an toàn sinh học, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và vệ sinh môi trường sinh thái. Qua mô hình chăn nuôi vịt áp dụng công nghệ mới, người chăn nuôi trên địa bàn xã Đức Phú đã thay đổi nhận thức, tập quán canh tác truyền thống sang chăm sóc nuôi dưỡng đàn vịt theo hướng an toàn sinh học, đúng quy trình kỹ thuật, lấy phòng bệnh là chính, áp dụng các công nghệ mới đồng bộ để quản lý tốt đàn vịt, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường và nguồn nước. Mô hình tạo được nguồn thực phẩm chất lượng an toàn cho người tiêu dùng. Được biết, đây là mô hình nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới ứng dụng khoa học công nghệ mới trong nông nghiệp, phục vụ an sinh xã hội.
Theo: khuyennongvn.gov.vn