Năm 2022, tỉnh Bình Phước phấn đấu giảm 2.800 hộ nghèo, trong đó có 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, tương đương 2% trên tổng số hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết, vừa ký ban hành quyết định giao vốn Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn năm 2022 với kinh phí gần 49 tỷ đồng. Trong đó, hai huyện miền núi có số hộ nghèo dân tộc thiểu số có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn để giảm nghèo gồm: Huyện Bù Đăng 834 hộ, cần số tiền 15,5 tỷ đồng; huyện Bù Gia Mập 952 hộ được phân bổ số tiền 16,3 tỷ đồng. Các huyện còn lại được phân bổ số tiền từ 1 đền gần 7 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo các hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022, tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Tỉnh hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước cho biết, bắt đầu từ năm 2019, tỉnh triển khai Chương trình mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn. Nhờ quyết liệt thực hiện các giải pháp giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số đã giảm mạnh. Cụ thể, năm 2019, toàn tỉnh đã giảm được gần 1.200 hộ nghèo dân tộc thiểu số; năm 2020 giảm được hơn 1.500 hộ và năm 2021 giảm được hơn 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số.
Tỉnh Bình Phước có dân số khoảng 1 triệu người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 200.000 người, chiếm 20% dân số toàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 15 xã biên giới, hiện nay còn 9 xã và 55 thôn đặc biệt khó khăn.
Sỹ Tuyên