Xây dựng môi trường văn hóa trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc

Xây dựng môi trường văn hóa trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc

Ngày 18/4, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Diễn đàn văn hóa với chủ đề “Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa” nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cùng đại diện các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà khoa học, chuyên gia về văn hóa dân tộc…

Xây dựng môi trường văn hóa trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ảnh 1Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Hoàng Tâm

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhấn mạnh: Xác định rõ vai trò của văn hóa, trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc xây dựng và phát triển nền văn hóa nước nhà. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng cũng đã chỉ rõ “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Quan điểm của Đảng khẳng định các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam luôn là sức mạnh nội sinh bền vững trong quá trình giao lưu, hội nhập trở thành động lực mạnh mẽ góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo nên “Bản lĩnh Việt Nam” hòa mình cùng “dòng chảy” của văn hóa nhân loại.

Việt Nam chúng ta có 54 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có một truyền thống văn hóa riêng, nhưng trong đó có nhiều giá trị văn hóa thống nhất, tương đồng trở thành giá trị văn hóa chung của đất nước. Đồng thời, mỗi dân tộc cũng có những nét văn hóa độc đáo riêng có tạo nên bản sắc của dân tộc mình. Vì vậy, chúng ta khẳng định nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, hay như Bác Hồ đã nói: “Mỗi dân tộc là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một vườn hoa đẹp”. Chiến lược phát triển sự nghiệp văn hóa đến năm 2030 của Chính phủ với những mục tiêu cụ thể đã khắc họa phần nào diện mạo nền văn hóa đất nước trong thập kỷ tới.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định, thực hiện tốt công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở là việc làm cần thiết, trên cơ sở đó thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Xây dựng môi trường văn hóa trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ảnh 2Đồng bào dân tộc Khmer giới thiệu nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình tại Diễn đàn. Ảnh: Hoàng Tâm

Tại Diễn đàn, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa đã cho ý kiến, tập trung vào một số nội dung như: Phát huy truyền thống văn hóa xây dựng môi trường văn hóa góp phần xây dựng giá trị văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Môi trường văn hóa dân tộc trong việc xây dựng môi truồng văn hóa hiện nay; Phát huy truyền thống văn hóa các tộc người ở Việt Nam; Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc tổ chức sự kiện tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam; Đoàn kết dân tộc để phát triển bền vững…

Đóng góp ý kiến tại diễn đàn, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cho rằng: Những năm qua, trong nhiều Nghị quyết của Đảng và Quyết định của Chính phủ đã chỉ ra những công việc, những chính sách cụ thể để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, như: Tập trung xây dựng một số luật cần thiết về văn hóa; đầu tư nâng cấp các bảo tàng; chống xuống cấp di tích lịch sử và văn hóa, kể cả các công trình mang tính chất tôn giáo đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa; có chính sách toàn diện về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số; đầu tư cho công tác sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn, bảo quản lâu dài, phổ biến các sản phẩm văn hóa như văn hóa dân gian, các điệu múa, các làn điệu âm nhạc của các dân tộc; giữ gìn nghề thủ công truyền thống, các loại nhạc cụ dân tộc; xét khen thưởng xứng đáng cho những người có công sưu tầm các giá trị văn hóa dân gian,…

Xây dựng môi trường văn hóa trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ảnh 3Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Bá Nam, Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam trình bày tham luận tại Diễn đàn. Ảnh: Hoàng Tâm

Cho ý kiến về vấn đề các giá trị truyền thống văn hóa và vấn đề xây dựng môi trường văn hóa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Bá Nam, Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam khẳng định: Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc ta gắn liền với việc sáng tạo, bảo lưu văn hóa dân tộc, bồi đắp các giá trị văn hóa tộc người và văn hóa quốc gia, được hun đúc và tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác trở thành tài sản vô giá trong quá khứ cũng như trong hiện tại và tương lai. Việc xây dựng đời sống văn hóa mới cần được gắn kết hữu cơ với vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống cộng đồng và tộc người, từ cách thức làm ăn đến các hoạt động ăn, mặc, ở, đi lại, vận chuyển; các thiết chế xã hội, các nghi lễ trong chu kỳ đời người; các hình thức văn hóa dân gian như lễ hội dân gian, tri thức dân gian, tâm thức dân gian, nghệ thuật dân gian... Trong quá trình phát triển, sự biến đổi văn hóa là tất yếu. Cần nhận diện khách quan di sản văn hóa và các hệ giá trị.

Xây dựng môi trường văn hóa trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ảnh 4 Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng,  PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội và bà Vi Thanh Hoài, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, tham gia cuộc tọa đàm tại Diễn đàn. Ảnh: Hoàng  Tâm 

Đại diện của các địa phương cũng có những ý kiến thiết thực về xây dựng môi trường văn hóa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Các địa phương cho rằng trong quá trình xây dựng môi trường văn hóa cần căn cứ vào đặc điểm riêng của từng địa phương về địa lý, văn hóa truyền thống để có những chính sách, nguồn lực và phương thức triển khai phù hợp. Các địa phương cùng trao đổi những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm cần khắc phục đối với ngành văn hóa để xây dựng môi trường văn hóa phù hợp và thiết thực với người dân.

Xây dựng môi trường văn hóa trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ảnh 5Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung phát biểu tổng kết Diễn đàn.  Ảnh: Hoàng Tâm

Phát biểu tổng kết Diễn đàn, thay mặt Ban Tổ chức, Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung đã tiếp thu các ý kiến quý báu của các đại biểu tại Diễn đàn, các đóng góp sẽ được nghiên cứu tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về những đề xuất, giải pháp, những chia sẻ, quan tâm của các nhà khoa học, các đại biểu đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đặc biệt là trong công tác bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi chủ đề công tác năm 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hướng đến mục tiêu thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của Chính phủ.

Hoàng Tâm

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm