Bình Phước chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số

Phụ nữ dân tộc S'tiêng ở Bình Phước gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: K GỬIH - TTXVN
Phụ nữ dân tộc S'tiêng ở Bình Phước gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: K GỬIH - TTXVN

Bình Phước là tỉnh miền núi thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, có gần 20% dân số là người dân tộc thiểu số, sống đan xen tại 111 xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, chú trọng…

Theo ông Trần Thế Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn được quan tâm, chú trọng. Ngành đã kết hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương, địa phương thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học về bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số như: Tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể của người S’Tiêng; thực hiện dự án “Ứng xử đối với môi trường tự nhiên của người S’Tiêng”; dự án “Tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể của người Khmer”; sưu tầm phục vụ trưng bày nhà dài truyền thống tại di tích Bom Bo (huyện Bù Đăng); sưu tầm hiện vật về văn hóa truyền thống của người M’nông Bình Phước; dự án “Phục dựng lễ hội lập làng mới của người S’Tiêng Bình Phước”; dự án “Phục dựng lễ hội Phá Bàu của người Khmer Bình Phước”; dự án “Phục dựng lễ hội Xuống đồng của người Khmer Bình Phước”; dự án “Nghiên cứu, khảo sát và định dạng âm nhạc của người S’Tiêng Bình Phước”; dự án "Phục dựng Lễ hội kết bạn của cộng đồng người M’nông"...

Các hoạt động lễ hội của đồng bào các dân tộc được tỉnh quan tâm, tổ chức thường xuyên như: Mừng lúa mới của đồng bào S’tiêng (Lễ đâm trâu), Lễ Sen Đônta, Tết Chol Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, Tết Ramwan của đồng bào Chăm.

Hoạt động nghiên cứu, sưu tầm những câu chuyện kể dân gian, bài hát ru, hát sắc bùa, kèn lá, kèn ống, múa lân, cồng chiêng, làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo sưu tầm, tổng kết thực tiễn để đề xuất chính sách bảo tồn và phát triển. Hàng năm, tỉnh tổ chức các hoạt động: Liên hoan Cồng chiêng, thi hát dân ca và các trò chơi dân gian... Các câu lạc bộ đàn tính, hát then thường xuyên tổ chức giao lưu, biểu diễn, truyền dạy cho thế hệ trẻ. Các lễ hội dân gian như lễ hội biểu diễn cồng chiêng, lễ hội té nước cầu mưa, cầu phước, hát múa lâm thôn, lễ hội Phá Bàu của dân tộc Khmer được duy trì.Song song với công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số và gắn với phát triển du lịch, Sở còn xây dựng mô hình Du lịch nghỉ dưỡng theo phương pháp thảo dược của người dân tộc M’nông và S’tiêng tại vùng đệm Vườn Quốc gia Bù Gia Mập; tặng hai bộ đàn đá (phiên bản bộ Đàn đá Lộc Hòa - Bảo vật Quốc gia) phục vụ phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tại hai điểm du lịch Phú Gia và Thanh Tùng (huyện Hớn Quản).

vna_potal_dac_sac_le_pha_bau_cua_dan_toc_khmer_tai_binh_phuoc_6633911.jpg
Quang cảnh lễ hội Phá Bàu của dân tộc Khmer ở xã Lộc Khánh, huyện biên giới Lộc Ninh (Bình Phước). Ảnh: K GỬIH - TTXVN

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước, hiện nay, có 25 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 4 di sản phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: Di sản Văn hóa phi vật thể Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng tỉnh Bình Phước; Di sản Văn hóa phi vật thể Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ hội Dua Tpeng (Phá Bàu) của người Khmer xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước; Di sản Văn hóa phi vật thể loại hình nghề thủ công truyền thống Nghề Đan gùi của X’tiêng huyện Bù Đăng, huyện Bù Gia Mập, huyện Hớn Quản, huyện Lộc Ninh; Di sản Văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của người M’nông xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) và các xã Đồng Nai, Thọ Sơn, Phú Sơn, Đắk Nhau (huyện Bù Đăng).

Phát huy kết quả đạt được, Bình Phước tiếp tục khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh tổ chức bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; đồng thời, xây dựng chính sách và hỗ trợ Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận.

Tỉnh còn hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức giao lưu, liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số…

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm