Bình Phước chủ động ứng phó tình hình ngập lụt khi thủy điện xả lũ

Bình Phước chủ động ứng phó tình hình ngập lụt khi thủy điện xả lũ

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, hiện nay, mực nước thượng nguồn sông Bé về hồ chứa thủy điện Cần Đơn và Srok Phu Miêng (Bình Phước) khá lớn, do đó đơn vị vận hành hai hồ chứa trên đã điều chỉnh xả lũ qua đập tràn.

Bình Phước chủ động ứng phó tình hình ngập lụt khi thủy điện xả lũ ảnh 1Bình Phước chủ động ứng phó tình hình ngập lụt khi thủy điện xả lũ. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Kết quả quan trắc ngày 24/8 cho thấy, hồ chứa thủy điện Cần Đơn trên địa bàn các huyện Bù Gia Mập và Bù Đốp mực nước hồ đã đạt 108,98/110 m (gần đạt cao trình). Trong khi lưu lượng nước từ thượng nguồn về hồ khá lớn, đạt hơn 476 m3/s, lưu lượng nước qua tua bin chạy máy là 268 m3/s. Do đó, đơn vị vận hành hồ chứa buộc xả qua đập tràn với lưu lượng 196 m3/s để đảm bảo an toàn đập.

Tương tự, tại hồ chứa thủy điện Srok Phu Miêng (huyện Phú Riềng) trên sông Bé, là bậc thang phía hạ lưu Nhà máy thủy điện Thác Mơ và Cần Đơn đã tích đạt cao trình hồ chứa 71,92/72m, trong khi lưu lượng nước về hồ đạt 483 m3/s, lượng nước chạy máy 310 m3/s, buộc đơn vị vận hành xả lũ với lưu lượng 170 m3/s xuống hạ du.

Để đề phòng ngập úng cục bộ ở khu vực trũng, thấp xung yếu, sạt lở đất tại khu vực giao thông có nền đất yếu, đặc biệt là tình hình ngập úng do các nhà máy thủy điện trên địa bàn xả lũ, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Bình Phước vừa có công văn yêu cầu các đơn vị sẵn sàng phương án ứng phó.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai biện pháp cứu hộ bảo đảm an toàn cho người dân tại khu vực bị ngập lụt, chia cắt; tổ chức sơ tán dân ở vùng nguy cơ cao đến nơi an toàn.

Đặc biệt, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng cứu khi có tình huống, những nơi nguy hiểm phải có biển báo.

Các địa phương tổ chức lực lượng xung kích kiểm tra khu dân cư ở ven sông, suối, vùng trũng thấp, khu vực nguy cơ sạt lở, ngập lụt để chủ động biện pháp bảo vệ, bảo đảm an toàn; triển khai lực lượng cảnh báo, canh gác tại ngầm tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt để đảm bảo an toàn cho người dân, đồng thời cảnh báo nhân dân không di chuyển những vùng nước ngập sâu, chảy xiết. Cùng với đó là tổ chức trực 24/24 giờ theo quy định, thường xuyên theo dõi tình hình khu vực trọng điểm, nơi thường xuyên bị ngập lụt.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm