Một nghiên cứu mới đây cho thấy khí oxit nitơ (NOx) và những chất khí thải khác được thải ra từ các loại xe hơi và xe tải gây ra số lượng lớn những trường hợp tử vong - khoảng 58.000 trường hợp/năm chỉ riêng tại Mỹ. Vì vậy, vụ bê bối vốn đã nhấn chìm hãng xe hơi Volkswagen (VW) của Đức mới đây không phải là mức vi phạm nhẹ.
Vụ bê bối của VW không phải là mức vi phạm nhẹ.
|
Hãng xe Đức thừa nhận rằng đã cài đặt phần mềm gian lận lượng khí thải trong 11 triệu xe ô tô động cơ diesel do họ sản xuất trên toàn thế giới, qua đó cho phép những chiếc xe này vượt qua các bài kiểm tra lượng khí thải NOx nghiêm ngặt của Mỹ. Nhưng một khi những chiếc xe được ra khỏi phòng thí nghiệm, phần mềm điều khiển sẽ ngừng kiểm soát khí thải và chúng bắt đầu phun khói ra cao đến 40 lần mức cho phép. Các thiệt hại cho chính VW là rất lớn, nhưng vụ bê bối trên sẽ ảnh hưởng đến các công ty sản xuất ô tô khác, các nước khác và tương lai của chính nhiên liệu diesel.
Rõ ràng là VW bị thiệt hại đầu tiên. Giám đốc điều hành Martin Winterkorn đã từ chức, và công ty đã chi 6,5 tỷ euro (tương đương 7,3 tỷ USD) cho chiến dịch khắc phục hậu quả này. Nhưng các nhà đầu tư lo sợ tình hình còn tồi tệ hơn: Trong bốn ngày giao dịch đầu tiên kể từ khi vụ bê bối nổ ra vào ngày 18/9, cổ phiếu của VW đã giảm 1/3, xuống còn 26 tỷ euro. Một khi cộng tất cả các khoản tiền phạt, tiền bồi thường, chi phí kiện tụng và thu hồi sản phẩm, tổng thiệt hại của Volkswagen có thể tương đương vụ nổ giàn khoan dầu Deepwater Horizon của hãng dầu khí BP. Tuy nhiên, ít nhất thì thảm họa nổ giàn khoan của BP cũng chỉ là một tai nạn. Còn vụ việc của hãng xe Đức là có chủ ý. Bộ Tư pháp Mỹ hoàn toàn có quyền mở một cuộc điều tra hình sự. Một số quốc gia khác, như Hàn Quốc, cũng đang bắt tay vào điều tra những vi phạm của Volkswagen. Trong khi đó, dù có rất ít người dân Trung Quốc mua ô tô chạy bằng diesel, chính phủ nước này có thể sẽ kiện Volkswagen vì từng phóng đại số liệu tiết kiệm nhiên liệu. Dù ông Winterkorn có phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với vụ việc trên hay không, việc từ chức là điều nên làm. Bán số lượng lớn "xe hơi chạy bằng động cơ diesel sạch" là trọng tâm chương trình của VW để thâm nhập thị trường Mỹ và là một phần quan trọng của kế hoạch nhằm vượt qua nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới Toyota của Nhật Bản. Nhưng giờ đây, đại chiến lược mà ông Winterkorn từng giám sát đang nằm trong đống đổ nát.
Xe ô tô của hãng Volkswagen ở Villers-Cotterets, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Một sự thay đổi nhân sự cấp cao và một án phạt nặng chắc chắn không phải là sự kết thúc của vấn đề. Các công tố viên của Mỹ đã cam kết truy cứu trách nhiệm của các cá nhân trong vụ việc, thay vì chỉ chịu phạt với số tiền lớn. Hầu hết những vụ bê bối ngân hàng gần đây không kết thúc với việc chỉ ra hầu tòa, mà còn bị phạt nặng. Đầu tháng 9 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ từng bắt hãng xe lớn nhất Mỹ (GM) nộp phạt 900 triệu USD vì không chịu thu hồi các ô tô bị hỏng bộ phận đánh lửa. Đây được cho là nguyên nhân khiến ít nhất 124 người bị thiệt mạng và 275 người bị thương trong các vụ tai nạn. Các công tố viên cho biết, lãnh đạo GM đã cố tình phớt lờ những hậu quả có thể gây chết người từ lỗi thiết bị này và đặt lợi nhuận lên trên sự an toàn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, sau đó, họ lại tuyên bố GM vô tội.
Điều đó phải thay đổi và các nhà chức trách Mỹ biết rõ. Trong một bài phát biểu mới đây, Phó Tổng chưởng Mỹ Sally Yates Mỹ cho biết, từ nay trở đi, việc xử phạt các doanh nghiệp sẽ chỉ là biện pháp thứ yếu, sau việc truy cứu trách nhiệm hình sự và dân sự với từng cá nhân. Một doanh nghiệp bị buộc tội sẽ không còn được tín nhiệm để hợp tác với phía điều tra, trừ phi họ có thể đưa ra danh tính rõ ràng của từng lãnh đạo hoặc nhân viên có liên quan đến việc làm sai trái; đồng thời giao nộp hoặc tìm cách thu thập các bằng chứng về vai trò của những cá nhân đó trong vụ việc. Vụ bê bối của VW là một phép thử trong phương pháp tiến cận mới này. Những tác động lớn nhất của vụ bê bối trên đang lan rộng khắp Đại Tây Dương. Hành vi xấu của VW làm dấy câu hỏi liệu các hãng xe khác đang có những thủ đoạn tương tự, hoặc là để đối phó với những tiêu chuẩn lỏng lẻo hơn của châu Âu về khí thải NOx. BMW và Mercedes, hai đối thủ lớn của VW đều cho biết họ không gian lận. Tuy nhiên, tại châu Âu, các bài kiểm tra khí thải chỉ được coi là một trò hề. Các hãng ô tô tự thực hiện thử nghiệm riêng và phía cơ quan quản lý cũng chiều lòng họ để thực hiện các động tác như tháo gương trong quá trình thử nghiệm hay tạo các vết nứt xung quanh cửa xe, cửa sổ để giảm lực cản, từ đó giảm tiêu thụ nhiên liệu. Thậm chí, các cơ quan quản lý cũng chấp nhận cho sử dụng các phần mềm như VW đã cài đặt. Đây là lý do tại sao người lái xe ở châu Âu chỉ có thể tiết kiệm được 40% nhiên liệu so với lời quảng cáo của hãng sản xuất. Ngay cả khi các hãng chế tạo ô tô khác phủ nhận việc có hành động gian lận như VW, bê bối của hãng xe này vẫn đang gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành xe hơi, khi họ đang nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn về khí thải. Một số người lo ngại vụ bê bối của VW có thể sẽ là dấu chấm hết cho nhiên liệu diesel. Trên thực tế, cải thiện động cơ chạy bằng xăng hoặc chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch hơn như methane, điện hoặc điện - xăng kết hợp, vẫn là việc nằm trong khả năng của các hãng xe. Hiện nay, nhiều hãng xe cũng đang đổ hàng tỷ USD vào những loại nhiên liệu mới này, nhằm đáp ứng được mục tiêu giảm khí thải. Nếu vụ bê bối của VW là dấu chấm hết cho diesel, nó có thể lại là sự khởi đầu của kỷ nguyên ô tô điện.
Báo tin tức