Bến Tre ưu tiên biện pháp sinh học trong phòng trừ sâu đầu đen hại dừa

Bến Tre ưu tiên biện pháp sinh học trong phòng trừ sâu đầu đen hại dừa

Sáng 22/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện công tác phòng trừ sâu đầu đen hại dừa và triển khai các giải pháp quản lý hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.

Bến Tre ưu tiên biện pháp sinh học trong phòng trừ sâu đầu đen hại dừa ảnh 1Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Công Trí-TTXVN

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết, từ khi phát hiện đối tượng sâu đầu đầu đen hại dừa vào tháng 7/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với Viện, Trường và các địa phương tích cực xác định, đặc điểm đối tượng gây hại và thực hiện công tác phòng trừ theo quy trình, đến nay đã đạt được những kết quả và thành công nhất định.

Ông Huỳnh Quang Đức cho hay, sau hơn 2 năm thực hiện công tác phòng trừ và đề tài nghiên cứu sâu đầu đen, đến nay Ngành nông nghiệp đã tổng hợp được quy trình kiểm soát sâu đầu đen hại dừa thông qua các kết quả thực hiện như: xác định được vòng đời sâu đầu đen tại Bến Tre; xác định được 5 hoạt chất và 7 tên thuốc thương phẩm có hiệu quả trong phòng trừ sâu đầu đen và khuyến cáo đến người nông dân; nhân nuôi và phóng thích thành công 33 loài ong ký sinh sâu đầu đen hại dừa.

Bên cạnh đó, công tác ra quân phòng trừ sâu đầu đen bằng biện pháp canh tác và biện pháp hoá học đã đạt được hiệu quả, diện tích vườn dừa nhiễm sâu đã dần phục hồi. Các mô hình quản lý sâu đầu đen bằng biện pháp tổng hợp, biện pháp sinh học cho thấy hiệu quả phòng trừ trong việc phối hợp các biện pháp quản lý. Đồng thời, hình thành 10 đơn vị nhân nuôi ong ký sinh trên địa bàn tỉnh đã hoạt động hiệu quả, mật số ong ký sinh tăng nhanh trong 3 tháng cuối năm 2022 và sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2023.

Bến Tre ưu tiên biện pháp sinh học trong phòng trừ sâu đầu đen hại dừa ảnh 2 Tiến sĩ Lê Khắc Hoàng - Trưởng Bộ môn Bảo vệ thực vật, Khoa Nông học, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Công Trí-TTXVN

Tuy nhiên, công tác phòng trừ sâu đầu đen hại dừa ở Bến Tre vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể, diện tích nhiễm sâu đầu đen có dấu hiệu giảm dần, tỷ lệ phục hồi tăng lên, tuy nhiên, diện tích nhiễm, lây lan và thiệt hại vẫn còn. Lượng ong ký sinh đã tăng nhiều, song chưa đủ số lượng để kiểm soát tốt diện tích nhiễm hiện tại. Một số đơn vị nhân nuôi chưa đạt được hiệu quả nhân nuôi tối ưu, đôi khi còn sai sót, việc sắp xếp nhân sự để thực hiện công tác phòng trừ tại địa phương còn thiếu, hiệu quả nhân nuôi chưa cao…

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre phối hợp các ngành, các địa phương tiếp tục thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn cách nhận dạng, các biện pháp quản lý sâu đầu đen hại dừa đến người dân thông qua việc phát các tờ bướm tuyên truyền, tổ chức hoặc lồng ghép các lớp tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ, đào tạo nghề; tăng cường khảo sát, điều tra, kịp thời phát hiện sâu hại, đồng thời hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng trừ nếu xuất hiện sâu gây hại, không để sâu lây lan trên diện rộng. Đồng thời, khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong khu vực đã phóng thích ong ký sinh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre ban hành hướng dẫn chi tiết trong công tác quản lý sâu đầu đen hại dừa trên từng điều kiện của địa phương: vườn dừa hữu cơ, vườn trồng xen nuôi xen, khu vực mới nhiễm, khu vực nhiễm lâu chưa phục hồi, các vườn dừa đã phục hồi cần bổ sung thiên địch... để các địa phương tự chủ trong công tác quản lý sâu đầu đen trong thời gian tới. Ngoài ra, tiếp tục tăng cường điều tra, phát hiện và phòng trị kịp thời, không để xảy ra ổ dịch lớn gây hại nặng, đặc biệt là các diện tích dừa ven đường dễ lây lan.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, tổng diện tích dừa nhiễm sâu đầu đen hiện tại trên địa bàn tỉnh hơn 897 ha. Đến nay, diện tích dừa nhiễm sâu đầu đen của tỉnh là 1.886,37 ha; trong đó, diện tích phục hồi sau khi thực hiện các biện pháp phòng trừ hóa học và sinh học là 989,34 ha. Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng tỉnh đã phóng thích trên 65,6 triệu con ong ký sinh nhộng và ký sinh ấu trùng sâu đầu đen trên địa bàn toàn tỉnh.

Công Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm