Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu ở miền núi Khánh Hòa

Trong bối cảnh hội nhập, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các giá trị văn hóa ở đây là di sản quý báu, nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hai huyện này nổi tiếng với nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Raglai và các dân tộc khác. Những lễ hội truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp và các làn điệu dân gian không chỉ thể hiện chiều sâu văn hóa mà còn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, giúp quảng bá hình ảnh của vùng đất phía Tây Khánh Hòa.

vna_potal_ngan_vang_mai_dan_da_khanh_son_7197383 (1).jpg
Ông Bo Bo Hùng- cán bộ Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn giói thiệu đàn đá. Ảnh Đặng Tuấn -TTXVN

Khánh Sơn tọa lạc ở độ cao trung bình 800m, được ví như “Đà Lạt thứ 2” của tỉnh Khánh Hòa, nơi còn lưu giữ một hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia là Bộ sưu tập Đàn đá Khánh Sơn. Đến đây, du khách sẽ được thưởng thức âm thanh độc đáo của đàn đá giữa không gian núi rừng hùng vĩ. Những thanh âm từ đàn đá, đàn chapi hay mã la vang lên rộn ràng, tạo nên sức hút đặc biệt.

Tại phòng truyền thống huyện Khánh Sơn, hơn 100 hiện vật văn hóa được trưng bày, bao gồm đàn đá, đàn chapi và các dụng cụ sinh hoạt truyền thống của người Raglai. Theo ông Bo Bo Hùng (cán bộ Phòng Văn hóa huyện Khánh Sơn), đây là điểm đến lý tưởng để du khách tìm hiểu về văn hóa bản địa. Ngoài ra, ở đây cũng lưu giữ nhiều hiện vật quý, giúp khách tham quan khám phá giá trị lịch sử và nghệ thuật của người Raglai và các dân tộc khác.

Các mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn) và các thôn Suối Cát, xã Khánh Trung, xã Khánh Hiệp, xã Giang Ly (huyện Khánh Vĩnh) cũng góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống. Tại đây, du khách có thể trải nghiệm làm nhạc cụ dân tộc, thưởng thức dân ca và tham gia lễ hội của người Raglai.

vna_potal_gioi_tre_khanh_hoa_lam_du_lich_ban_dia_7240596.jpg
Nhóm các bạn trẻ Khanh Son Eco cùng đoàn khách du lịch chụp ảnh lưu niệm tại nhà dài của người đồng bào dân tộc Raglai, nhằm giới thiệu một sản phẩm văn hóa của huyện Khánh Sơn. Ảnh: TTXVN phát

Chính quyền hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh tích cực phục dựng và duy trì các lễ hội truyền thống như: Lễ bỏ mả, lễ ăn mừng lúa mới, lễ vòng đời của người Raglai, lễ Cúng Bến nước của người Ê Đê và lễ cưới của người T’rin. Những lễ hội này không chỉ giúp người dân thực hành văn hóa mà còn thu hút khách du lịch, góp phần phát triển du lịch văn hóa.

Nhiều năm qua, đồng bào dân tộc Raglai tại Khánh Sơn gìn giữ các nghi lễ truyền thống như lễ bỏ mã, Lễ tạ ơn cha mẹ, lễ cưới, Lễ ăn đầu lúa mới. Các nghi lễ này gắn kết cộng đồng, thể hiện triết lý sống hài hòa với tự nhiên. Anh Cao Văn Quyết, một người dân xã Sơn Hiệp, chia sẻ: "Lễ tạ ơn là dịp cảm ơn cha mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng, cho mình đất đai để làm ăn. Tôi cảm thấy tự hào về truyền thống của người Raglai".

Khánh Hòa đang triển khai các kế hoạch khai thác tiềm năng di sản văn hóa, kết hợp phát triển du lịch. Đàn đá Khánh Sơn đã được truyền dạy cách sử dụng tại các cơ sở văn hóa ở Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Các cán bộ văn hóa, giáo viên âm nhạc, học sinh được tập huấn cách sử dụng bảo vật quốc gia này. Những người trẻ tuổi tại địa phương vừa học nhạc cụ vừa biểu diễn để giữ gìn và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc.

Em Si Linh (ở xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh) chia sẻ: "Em biểu diễn đàn đá, múa và bán hàng lưu niệm. Thầy dạy từng nốt nhạc cho chúng em, từ chỗ không biết gì nay đã chơi đàn được 10 năm. Em tự hào khi biểu diễn đàn đá của người Raglai, công việc này còn giúp em ổn định cuộc sống hơn là đi làm rẫy."

vna_potal_khanh_hoa_gia_lang_khanh_son_giu_nep_van_hoa_truyen_thong_7545937.jpg
Những già làng của huyện miền núi Khánh Sơn ngày nay vẫn còn khéo tay làm nên các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Các nghệ nhân tại Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và truyền dạy văn hóa dân tộc. Chính quyền đã hỗ trợ và khuyến khích họ truyền dạy làn điệu dân ca, cách chế tác nhạc cụ cho thế hệ trẻ. Những hoạt động này giúp giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng.Ông Văn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, nhấn mạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đặc biệt là tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Ông cho biết Khánh Vĩnh có nhiều điều kiện thuận lợi về cảnh quan sông suối, rừng núi, rất phù hợp để phát triển loại hình du lịch này. Một số địa điểm như khu du lịch Giang Bay, khu du lịch Suối Lách đã được khai thác, trong khi nhiều khu vực tiềm năng khác vẫn chưa được đầu tư đúng mức.

Huyện cũng đang triển khai các chương trình mục tiêu nhằm phát triển mô hình du lịch gắn kết với văn hóa dân tộc. Điển hình, tại xã Khánh Trung đã xây dựng đội văn nghệ dân tộc để phục vụ du khách, kết hợp quảng bá du lịch sinh thái và sản phẩm nông sản đặc trưng của vùng miền núi. Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội và huy động hỗ trợ từ ngân sách để phát triển các khu vực có tiềm năng du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.

Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết: Các lớp học truyền dạy văn hóa, đặc biệt là dạy đàn đá và mã la, được tổ chức thường xuyên nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ. Các chương trình biểu diễn văn hóa dân gian cũng được tổ chức tại các điểm du lịch để quảng bá văn hóa địa phương. Việc kết hợp du lịch với các hoạt động trải nghiệm văn hóa đã giúp quảng bá và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Du khách không chỉ được tìm hiểu mà còn trực tiếp trải nghiệm, qua đó lan tỏa giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số ở đây.

Có thể nói, việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tại các huyện miền núi của Khánh Hòa mang giá trị di sản quý báu mà còn là nguồn lực quan trọng, gắn kết cộng đồng và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Trong tương lai, Khánh Hòa có tiềm năng trở thành điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn, nơi du khách có thể hòa mình vào những nét đẹp văn hóa độc đáo của người Raglai, Ê Đê, T'rin, Tày... đồng thời góp phần xây dựng và phát triển một vùng đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Anh Tuấn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm