Bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa ở Bình Thuận

Bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa ở Bình Thuận

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh. Chương trình nhằm mục tiêu bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa tiêu biểu ở Bình Thuận đang có nguy cơ mai một, xuống cấp, góp phần vào sự phát triển bền vững văn hóa dân tộc Việt Nam, hướng tới quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và phát triển du lịch.

Bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa ở Bình Thuận ảnh 1Nghi thức cúng trong Lễ tảo mộ của đồng bào Chăm ở Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Để chương trình mang lại hiệu quả, Bình Thuận đưa ra nhiều giải pháp như: đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, khảo cổ. Hằng năm, tỉnh thực hiện trùng tu, tôn tạo ít nhất ba di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đang bị xuống cấp. Cùng với việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về di sản văn hóa địa phương, tỉnh lồng ghép giới thiệu các di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, khảo cổ của tỉnh vào các tour tham quan du lịch.

Đối với di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc, Bình Thuận tổ chức sưu tầm, ghi chép, tư liệu hóa các di sản văn hóa phi vật thể, nhất là các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một cao hoặc của các dân tộc thiểu số có dân số dưới 1.000 người. Tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động bảo tồn, truyền dạy các kỹ năng, kỹ thuật, nghệ thuật, bí quyết… về di sản văn hóa truyền thống cho đồng bào, nhất là thế hệ trẻ; xây dựng mô hình trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm văn hóa truyền thống, đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2021- 2025, tỉnh đẩy mạnh trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu về vùng đất, con người Bình Thuận.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tại Bình Thuận luôn được chính quyền quan tâm và thu hút sự tham gia của người dân địa phương. Bước đầu, tỉnh đã khai thác tốt các giá trị di sản văn hóa để phục vụ du lịch, phát huy tác dụng trong việc giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.

Toàn tỉnh có hơn 300 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phân loại, thẩm định giá trị và đưa vào danh mục nghiên cứu, bảo vệ. Trong đó, 28 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 42 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Đến nay, hầu hết các di tích quốc gia và 50% di tích cấp tỉnh đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo bằng nguồn vốn của Nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa do các tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ. Qua kiểm kê, bổ sung, toàn tỉnh có hơn 1.300 di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc.

Bình Thuận đang tập trung triển khai một số đề án lớn nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn như: Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề làm gốm truyền thống của người Chăm, thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình”; Đề án “Bảo tồn và phát huy Lễ hội Cầu ngư ở vạn Thủy Tú, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết phục vụ phát triển du lịch”; Đề án “Bảo tồn và phát huy Lễ hội Dinh Thầy Thím ở thị xã La Gi”…

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm